Cánh cửa được làm theo kiến trúc xưa mở ra phố như một dấu ấn của quá khứ. Hẳn là vẫn trên con đường này, vẫn thế đất xưa, những ngựa xe, võng lọng từng qua đây. Giờ tấp nập người xe của một đô thi hiện đại nhưng góc nhìn đó vẫn nguyên một giá trị.
Đón từ tay bà cụ chén nước chè hương nhài thơm mùi hương thoang thoảng. Hương của chén nước chợt gợi đến câu phương ngôn cổ về nét thanh lịch Tràng An như mùi hương thoang thoảng thanh nhã mà khắc ghi trong lòng bao người khi nhớ đến đất kinh kì. Cụ bảo đây là loại chè ướp hương hoa nhài do chính tay cụ làm dùng để đãi khách quý. Để làm được những chè hương sen, hương nhài, người phụ nữ Hà Nội xưa phải kì công từ lựa hoa đúng độ đến việc tỉ mẩn đãi “gạo hoa”, cánh hoa, cần mẫn thức dậy sớm để sang, lọc để hoa không ủng…
Những trong câu chuyện dài bên bữa trưa với vị ngon của hàng bún chả gia truyền với nước chấm được những người Hà Nội gốc pha chế khéo tay, tôi cứ ám ảnh về góc nhìn ra phố từ khung cửa ấy. Khung cửa đã kế thừa từ những ngôi nhà nơi làng quê đồng bằng Bắc Bộ để lên mảnh đất được bồi đắp từ phù sa sông Hồng mà tạo dựng 36 phố phường. Những ô cửa đã tiễn những người thanh niên ra chiến trường để mãi mãi không bao giờ trở về. Có người ngã xuống, kỉ vật chỉ còn lại là một chiếc bao lô.
Từ những mái nhà phố cổ nhìn qua những ô cửa, cảnh phố phường Hà Nội như một cuốn phim lịch sử ghi lại nhịp sống. Mỗi ô cửa như khung ảnh lưu lại những dấu ấn thời gian với những gì đã qua, những gì còn và mất. Bấy lâu nay, mải mê với sự tấp nấp của phố xá chúng ta đã từng lãng quên một góc Hà Nội hồn hậu quê mùa đến thế.