Dân Việt

Người dân được chia sẻ lợi ích từ rừng

04/09/2012 09:56 GMT+7
(Dân Việt) - Kể từ khi rừng Bạch Mã trở thành VQG (1991), một chiến lược cho sự phát triển bền vững được xác lập. Tiềm năng du lịch sinh thái được đưa vào khai thác, đã đặt mục tiêu sản xuất sau mục tiêu bảo tồn.

Cũng từ đây vấn đề sinh kế của người dân vùng đệm cũng được thực hiện theo chiều hướng mới, nhu cầu phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực được tiến hành đồng thời, phù hợp với vấn đề bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.

img
Cán bộ VQG Bạch Mã kiểm tra thực địa.

Hiện vùng đệm của VQG Bạch Mã gồm 12 xã, thị trấn. Anh Nguyễn Chử - người dân vùng đệm thuộc xã Lộc Tỳ, huyện Phú Lộc cho hay: “Với dân giờ làm ăn kinh tế không còn vin vào rừng nữa mà có ý thức kiếm công ăn việc làm. Thực tế sống với rừng, ngày xưa đi khai thác trong rừng, sáng đi tối về thì đồng tiền ăn tiêu cũng thế, mà không bền vững, nên giờ mình kết hợp trồng rừng nông nghiệp với rừng kinh tế thì đời sống cũng ổn định”.

Còn ông Nguyễn Thẩm – Trưởng thôn Khe Su, Lộc Tỳ, Phú Lộc khẳng định: “Người dân bây giờ vẫn vào rừng, nhưng không phải chặt phá, săn bắn như trước nữa mà chỉ khai thác những thứ được phép như lâm sản ngoài gỗ”.

Trước thực tế đó, vừa qua Chính phủ đã chọn VQG Bạch Mã làm điểm cho một chương trình lớn là “thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng”. Ông Huỳnh Văn Kéo – Giám đốc VQG Bạch Mã cho biết: “Mục đích của việc thí điểm là tạo cơ sở cho việc xây dựng khung pháp lý về chính sách chia sẻ lợi ích, quyền và nghĩa vụ của Ban quản lý các khu rừng đặc dụng với cộng đồng địa phương theo nguyên tắc đồng quản lý”.

Thực hiện chương trình thí điểm, VQG Bạch Mã đã lập danh sách số hộ dân và hội đồng quản lý tham gia chương trình thí điểm. Việc chia sẻ lợi ích phải đảm bảo sự thỏa thuận trực tiếp và tự nguyện giữa Ban quản lý khu rừng đặc dụng với cộng đồng dân cư thôn thông qua đại diện hợp pháp là Hội đồng quản lý; công khai, minh bạch trong toàn bộ quá trình tổ chức thực hiện.

Theo ông Kéo, để người dân có trách nhiệm với rừng, họ cần được chia sẻ lợi ích và chỉ khi đó vấn đề lương thực mới được đảm bảo.

Vấn đề chia sẻ lợi ích với cư dân vùng đệm tại VQG Bạch Mã đã được thực hiện từ lâu. Nhưng việc thực hiện thành công mô hình thí điểm sẽ là cơ sở để gắn quyền lợi và trách nhiệm của người dân với rừng một cách hợp pháp.