Mặt nước giếng làng (ảnh tác giả).
Đất đào giếng phải là đất sét dẻ, để nước không thoát, nước mặn bên ngoài không tràn vào. Và đặc biệt là phải có độ lớn chừng nửa công đất để cho nhiều nhà xài chung.
Sau khi có nhà nào đó đồng ý cho mượn đất, trai làng hẹn nhau cùng nhau đào một vài ngày mới xong. Giếng đào sâu vài ba thước tây. Nếu đào cạn một vài mùa phải mấy công sên vì bùn lắng. Giếng nước đào mấy mùa đầu thường còn phèn lắng nên nước chưa tốt. Chừng đến mùa thứ hai, thứ ba nước bắt đầu trong mát, ngon lành.
Xung quanh bờ giếng cỏ ống, cỏ chỉ thường hay mọc nhiều, nên người ta cũng phải chịu khó cắt chúng đi.
Giếng đào sâu, nước trong vắt. Người ta đến giếng dùng đôi đòn gánh gánh nước về để lóng uống, nấu ăn hay giặt giũ.
Bông súng ở giếng làng (ảnh tác giả).
Câu chuyện những đêm trăng, gió mát trai gái gánh nước rồi nên duyên chồng vợ đã trở thành đề tài cho bao tác phẩm thơ ca, nhạc họa ra đời. Xin minh họa bằng một đoạn lời bài ca cổ nhạc Gánh nước đêm trăng của soạn giả Viễn Châu:
"Sương thu lạnh bao trùm khắp nẻo
Trăng đêm nay dìu dịu cả không gian
Tôi với em gánh nước cạnh đình làng
Mùi cỏ dại mơ màng trong đêm vắng, …"
Ở những cái giếng làng ấy, người ta còn trồng sen, súng. Sáng sớm, bông nở tím ngát làm cho không gian đồng quê thêm thơ mộng như bức tranh vẽ.
Bông súng nở ngát, người dân trong vùng đến hỏi xin chủ nhà, là người có đất cho đào giếng dùng chung ấy, rồi nhổ vài cọng về nhà lặt sạch bóp giấm chấm cá kho, mắm kho hay nấu canh chua, … bữa ăn dân dã mà đậm đà tình nghĩa biết bao.