Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Điều kiện kinh doanh-kinh nghiệm quốc tế và thách thức với Việt Nam” diễn ra ngày 6.4.
TS.Nguyễn Đình Cung-Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, điều kiện kinh doanh nhiều, thiếu luận cứ khoa học và thực tiễn nêu trên đang làm méo mó thị trường, rủi ro cho người kinh doanh và đầu tư.
Từ 20.1.2015, CIEM đã thông báo 900 trang và 6.000 điều kiện kinh doanh này tới các bộ, ngành, hiệp hội để rà soát, bãi bỏ nhưng ông Cung cho biết, chỉ có 3 bộ có ý kiến và ý kiến là “đề nghị giữ nguyên như hiện nay” để họ tự rà soát, tự cải cách. Thậm chí, một số nơi còn đề nghị tăng thêm.
Thực tế này cho thấy sự thờ ơ, trục lợi đã ăn sâu vào trong các điều kiện kinh doanh. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, các điều kiện vô lý ở Việt Nam còn đất sống là vì ở ta cơ quan soạn thảo chính sách cũng là cơ quan thực thi chính sách. Do vậy, họ không ngại đẩy khó khăn cho người khác, hay cài cắm, đưa quyền lợi của mình vào đó. “Cơ quan ra điều kiện giờ kinh nghiệm đầy mình, họ biết rằng, nếu bị bỏ giấy phép sẽ mất lợi ích” - ông Doanh nói.
Ông Doanh cho rằng, đã đến lúc phải tách bạch người làm quy định ra khỏi người thực hiện, kết thúc việc “vừa đá bòng vừa thổi còi” mới có thể cải thiện điều kiện kinh doanh.
Theo ông Doanh, các điều kiện kinh doanh vô lý đang đẻ ra tham nhũng, lợi ích nhóm. “Nên chăng lọc những giấy phép, điều kiện kinh doanh quá lố, không thích hơp, không hợp lý gì về kinh tế, trái quy định pháp luật để làm văn bản công bố bãi bỏ?” - ông Doanh phân tích.