Giá tăng, sản lượng cao
Những ngày này là thời gian đỉnh điểm của vụ thu hoạch quế, cho nên dọc các tuyến giao thông ở Trà Bồng và Tây Trà, quế vỏ được phơi la liệt, nhiều đoạn kéo dài 500-800m. Tại vườn quế nằm ngay bên đường bê tông giao thông liên xã qua thôn 5, xã Trà Thủy (Trà Bồng), ông Hồ Thanh Vương (60 tuổi) khoe: “Khoảng ½ trong số hơn 2.000 cây quế của gia đình sẽ được thu hoạch trong vụ này. Chỉ tính 2 ngày qua, riêng số vỏ đã lột trên 100kg tươi, bán được khoảng 15 triệu đồng”.
Niềm vui của người trồng quế ở 2 huyện trên như nhân lên gấp bội, khi không chỉ có vỏ, thân mà cả lá quế cũng được các thương lái thu mua để bán cho các cơ sở chế biến nhang, tinh dầu với giá khá cao: 1.200 đồng/kg tươi và 2.500 đồng/kg khô. Anh Trí cho biết: Cứ khoảng 1 tuần là mua được 2-3 tấn lá quế, sau đó thuê xe chở ra bán cho một cơ sở chế biến ở huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Nỗ lực giữ ổn định vùng nguyên liệu
Đối với người dân miền tây Quảng Ngãi, trong đó có Trà Bồng, từ nhiều năm qua quế không chỉ đơn thuần là một loại cây trồng mang lại thu nhập chính cho hàng ngàn hộ gia đình người Cor ở địa phương, mà còn được xem như một biểu tượng cho đất và người nơi đây. Vì vậy trước sự cạnh tranh của các loại cây trồng khác như keo, bạch đàn, các cấp ngành của huyện Trà Bồng đã nỗ lực rất nhiều để giữ ổn định diện tích cây quế.
Ông Võ Sỹ Phi - Trưởng phòng NNPTNT huyện Trà Bồng cũng cho biết: “Từ 2009 đến nay, huyện đã mua và cấp hỗ trợ cho người dân khoảng 1,2 triệu cây quế giống/năm, đồng thời tổ chức hướng dẫn kỹ thuật mới trong chăm sóc, bảo vệ quế cho dân. Nhờ vậy mà diện tích quế của huyện đã dần dần được khôi phục và tăng lên. Riêng năm 2014, diện tích quế ở Trà Bồng là gần 1.400ha, tăng trên 270ha so với năm trước.
Được biết, vụ thu hoạch quế hàng năm ở miền núi Quảng Ngãi diễn ra 2 đợt, trong đó đợt chính bắt đầu từ tháng 2-3 và kéo dài đến tháng 4; đợt 2 từ tháng 7-8. Huyện Trà Bồng được xem là "thủ phủ" của cây quế. Trong đó riêng xã Trà Thủy có diện tích gần 410ha, với tổng số 1,1 triệu cây .