Chánh án ITLOS Shunji Yanai đã chỉ định cựu thẩm phán người Ghana của ITLOS Thomas Mensah làm thành viên thứ năm của tòa trọng tài nói trên.
Ngày 25.6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết ITLOS đã thông báo với luật sư Francis Jardeleza - người đứng đầu nhóm luật sư đại diện cho Philippines trong vụ kiện, về việc chỉ định vị thẩm phán cuối cùng này.
Trong thư đề ngày 21.6, tòa án LHQ đã thông báo cho chính quyền Manila biết quyết định chọn thẩm phán Thomas Mensah để bổ sung vào số 5 thành viên thuộc tòa án trọng tài này.
Chánh án ITLOS Shunji Yanai, người đã chỉ định thẩm phán cuối cùng trong tổ trọng tài. Ảnh: ITLOS |
Ông Mensah, nguyên là thẩm phán của ITLOS từ năm 1996 - 2005, được đề cử thay thẩm phán Chris Pinto, người Sri Lanka. Ông Pinto đã xin rút tên ra khỏi ủy ban trọng tài hồi tháng 5 vừa qua với lý do vợ ông là người Philippines, có thể sẽ khiến Bắc Kinh cảm thấy không đảm bảo những yếu tố công bằng và minh bạch trong quá trình xét xử.
Hiện tại, công tác chọn thẩm phán đã hoàn tất, với thành phần gồm các ông: Jean-Pierre Cot người Pháp, Alfred Soons người Hà Lan, Thomas Mensah người Gana, cùng với thẩm phán Đức Rudiger Wolfrum, được Philippines chọn làm đại diện cho Manila, và thẩm phán Ba Lan Stanislaw Pawlak đã được Chánh án ITLOS cử thay mặt Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện.
Với việc chọn xong các thẩm phán, các cuộc điều trần trong khuôn khổ vụ kiện nay có thể bắt đầu, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Philippines đã đâm đơn kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vào ngày 22.1 nhằm buộc Trung Quốc ngừng xâm phạm khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng như vô hiệu hóa “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh. Trung Quốc đã từ chối ra tòa nhưng phiên tòa vẫn được xúc tiến mà không cần sự có mặt của nước này.
Cho đến nay, có nhiều nước đã lên tiếng ủng hộ vụ kiện này của Philippines, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu... Tại các hội thảo quốc tế về Biển Đông, hầu hết các học giả đều không thừa nhận tính pháp lý của đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra, tuy nhiên, bất chấp mọi lý lẽ và luật pháp quốc tế, Trung Quốc vẫn khăng khăng giữ nguyên lập trường phi lý của mình.
Hạ Anh (tổng hợp)