Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hóa thạch của sinh vật xấu xí có bướu ở trên mặt được xác định sống vào khoảng 250 triệu năm trước. Sinh vật định danh là Bunostegos này được cho là xuất hiện trước cả khủng long và đã thống trị sa mạc một thời gian lớn trên Trái đất.
Sinh vật này có tên đầy đủ là Bunostegos akokanensis, thuộc nhóm Pareiasaurs. Chúng là một loài bò sát ăn cỏ to lớn sống khoảng 266 - 252 triệu năm trước (giữa và cuối kỷ Permi).
Hóa thạch hộp sọ của sinh vật này mới được phát hiện ở khu vực miền Bắc Niger (châu Phi), trên xương sọ có một loạt các vết tích, đó là những vết gồ lên của bướu. So sánh với hộp sọ của loài khác có liên quan, nhà nghiên cứu cho biết, các loài Pareiasaurs khác cũng có vết như thế này trên hộp sọ, nhưng chúng không lớn giống như của Bunostegos.
Hơn nữa, nhiều bằng chứng cho thấy các Bunostegos đã sống tách biệt hàng triệu năm trong điều kiện thời tiết cực kỳ khô cằn trên sa mạc. Có vẻ như, chính sự cô lập này đã dẫn đến những "tính năng" kỳ lạ ở trên cơ thể của con thú.
Linda Tsuji, một nhà cổ sinh vật tại Bảo tàng Burke và ĐH Washington, Seattle cho biết: "Do khí hậu khắc nghiệt nên những con Bunostegos sống cô lập trên sa mạc. Điều này sẽ khiến cho Bunostegos tự hình thành những đặc điểm để thích nghi với môi trường sống".
Nhà cổ sinh vật Gabe Bever của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên - người không tham gia vào nghiên cứu này cho biết: "Sự hiểu biết của chúng tôi về những loài động vật thuộc kỷ Permi khá ít, do đó, phát hiện này sẽ mở ra một hướng nghiên cứu mới về những loài sinh vật có hình dạng đặc biệt như Bunostegos".