Dân Việt

Mâm cỗ ngày hội Mường

Nguyễn Thị Minh Hiếu 08/04/2015 12:00 GMT+7
Ai sinh ra và lớn lên đều cũng có một quê hương, nơi mà khi chúng ta đã như những chú chim sải rộng cánh bay đi khắp muôn phương để rồi lại đoàn viên vào mùa hội làng. Sau những màn rước kiệu, sau những trò chơi dân gian đã truyền lại từ bao đời, là ấn tượng về những mâm cỗ mang đậm bản sắc văn hóa Mường trong ngày làng mở hội.

Trong tiết Xuân, vạn vật sinh sôi, các loại cây đơm hoa kết trái, những đàn cá tung tăng khe suối, người người đi lễ chùa cầu may, du xuân thắng cảnh… Ở đất Mường, Hoà Bình quê tôi dịp này cũng vậy, có nhiều lễ hội mừng Xuân.

Vào những dịp làng mở hội này, người người, nhà nhà đều thành tâm, sửa soạn mâm cỗ để dâng báo công với các vị thần linh, thành hoàng làng, ông bà tổ tiên về thành quả lao động sản xuất đã thu hoạch được, cầu mong cho năm mới xóm làng yên vui, gia đình hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Mâm cỗ dâng hội ở bản Mường tôi mộc mạc, chân quê, chẳng phải vây cá mập, trứng đà điểu hay thịt cừu ÚC… Mà chỉ đơn giản là rau dại mọc ngoài đồng, con cá dưới suối, con khe (giống như con nhái bén) trong hốc núi đá, con ốc trong hang; con gà (con ka), con lợn (con cúi) nuôi quanh năm chạy đồi nhặt sâu, dũi củ, những hạt gạo nếp căng tròn bóng mẩy được cấy dưới ruộng hay được trồng trên nương, những mụn măng mọc trên rừng…
img
Mâm cỗ ngày hội Mường (ảnh Minh Hiếu)
Nhưng gần như thành qui ước, mâm cỗ dâng hội ở quê tôi phải có một số món chế biến từ các nguyên liệu: thịt bò, thịt gà; cá; con khe; rau đồng các loại; măng; xôi đồ gói lá dong… Cá suối được kẹp bằng gắp tre tươi để nướng hay gói vào lá chuối cùng với măng chua hoặc rau… cho vào cuốp đồ, gà luộc rắc lá chanh, hay gà nấu măng chua, măng chua om con khe (nhái bén), xôi đồ, hay xôi ngũ sắc (nhuộm bằng lá dứa màu xanh, lá troồng đỏ, troồng tím), xôi gấc) được trồng trong vườn nhà. Thịt bò (thịt trâu) nấu lá lồm, rau đồng đồ (rau cải cau, ấm ủ, lá đu dủ, rau đốm, hoa chuối,..). Các loại rau này mọc rất nhiều ở ruộng ngô ngoài đồng hay trong vườn nhà trên đồi. Riêng rau đốm phải biết rõ về nó thì mới hái vì dễ bị nhầm với lá ngón (một loại lá cực độc ăn vào sẽ bị tử vong). Món rau đồ chấm với lòng cá nấu sền sệt cùng với mẻ chua (nuôi chua bằng cơm nguội) chút cà chua thái hạt lựu, măng đắng nướng…

Tất cả các món được tẩm ướp gia vị sao cho đậm đà. Đặc biệt ở đây có một thứ gia vị rất đặc trưng, rất riêng của ẩm thực dân tộc Mường, đó chính là hạt dổi. Với món măng chua nấu thịt gà mà không có hạt dổi nêm vào thì không phải là măng chua nấu thịt gà, chúng ta có thể ăn kèm với lá đu đủ sống (nếu người nào ăn được đắng) - rau cải cay non, hay món thịt nướng hạt dổi, món cá nướng hạt dổi. Còn măng đắng thì: xào, luộc, đồ cũng rất ngon nhưng hãy nướng những mụn măng đó bằng than củi gém với rau trảu (tên một loại rau có vị thơm như hạt dổi) chấm muối rang dã hạt dổi nướng vài quả ớt xanh vắt thêm chút chanh. Hãy thưởng thức và cảm nhận vị ngọt trong măng và sự hòa quện của rau muối chấm sẽ thấy nó ngon đến lạ lùng.

Không chỉ khéo nấu mà người làng ở mường tôi còn giỏi bày cỗ. Cỗ được bày vào chiếc mâm rải sẵn lá chuối, rau sống ăn kèm thì xếp xung quanh vành mâm theo hình vòng tròn, biểu tượng cho trái đất rộng lớn (nó được gọi là cỗ lá). Rồi món xôi đồ ngũ sắc với năm mầu tượng trưng cho ngũ hành âm dương: lửa màu đỏ (hỏa), nước màu xanh (thủy), đất màu vàng (thổ), cây cối (mộc), kim loại màu trắng (kim). Nó bổ trợ cho nhau trong sự luân hồi của vạn vật.

Song hành cùng với mâm cơm là phải có chai rượu (rượu gạo, rượu sắn, rượu ngô…) được kết tinh từ lúc ủ men cùng với gạo nấu thành cơm, sắn ngô đồ cho đến khi đưa vào nồi nồi chưng cất thành.  Những món ăn ấy được làm nên từ khó khăn, gian khổ, chua - cay mặn - ngọt, vui – buồn – hạnh phúc.

Thời gian vẫn sẽ xoay vòng. Xuân qua đi để lại dư âm của sự tràn trề no đủ trước khi vào những mùa nắng chói chang, hanh khô, rét mướt, rơi dụng. Xuân về mang lộc biếc chồi xanh cho muôn nhà vạn vật, mọi người trong làng mường đều mong một mùa no ấm.