Ông có thể chia sẻ về tăng trưởng nguồn vốn cũng như thu hồi vốn tới hạn tại Ngân hàng CSXH Hải Dương?
- Chi nhánh đã có nhiều nỗ lực, thường xuyên chủ động tham mưu với Ban đại diện Hội đồng quản trị, đề nghị UBND tỉnh bổ sung vốn từ ngân sách tỉnh và chỉ đạo việc trích chuyển nguồn vốn từ ngân sách huyện. Các phòng giao dịch huyện cũng chủ động, tích cực báo cáo, đề xuất với Huyện ủy, HĐND và UBND huyện về vấn đề bổ sung nguồn vốn từ ngân sách. Tuy kết quả bước đầu còn khiêm tốn nhưng là dấu hiệu đáng mừng, là cơ sở để các đơn vị tiếp tục tham mưu, đề xuất cho các năm tiếp theo.
Vì sao dư nợ chương trình tín dụng HSSV giảm mạnh, thưa ông?
- Nguyên nhân là năm qua, Hội sở tỉnh và các đơn vị đã tích cực thu hồi nợ đến hạn theo phân kỳ, nợ đến hạn kỳ cuối. Tổng doanh thu nợ đến hạn của chương trình tín dụng HS-SV tại Chi nhánh năm 2014 đạt 311,874 tỷ đồng. Chính sách phù hợp và công tác tuyên truyền được tăng cường nên nhiều hộ khách hàng tự nguyện trả nợ trước hạn để được hưởng chính sách giảm lãi tiền vay, thêm nữa là nhu cầu của đối tượng thụ hưởng ngày càng giảm…
Thưa ông, hoạt động ủy thác qua 4 tổ chức chính trị-xã hội trong thời gian tới sẽ được triển khai như thế nào?
- Chi nhánh tiếp tục phối hợp hiệu quả với 4 tổ chức chính trị-xã hội, trong đó có Hội ND nhận ủy thác tín dụng ưu đãi. Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị-xã hội sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm triển khai tốt các chương trình tín dụng ưu đãi. Trọng tâm vẫn là củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn thông qua đánh giá, phân loại tổ, tập huấn nghiệp vụ, giao ban định kỳ, hướng dẫn lưu trữ, sắp xếp hồ sơ. Đến nay đã xây dựng, củng cố được 4.021 tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó loại tốt chiếm tới 84,7%, tổ trung bình chỉ còn 0,1%, không có tổ yếu kém.
Xin cảm ơn ông!