Dân Việt

Nhượng quyền khai thác sân bay: Chống lạm dụng vị thế độc quyền

Vinh Hải (ghi) 10/04/2015 11:41 GMT+7
Đó là khẳng định của ông Lại Xuân Thanh  - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ngày 8.4 trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về xu hướng nhượng quyền sân bay đang lan rộng.

Thực hiện nhượng quyền cảng hàng không, sân bay có dễ dẫn đến tình trạng chuyển từ độc quyền kinh doanh nhà nước sang độc quyền tư nhân hay không thưa ông?

img
Ông Lại Xuân Thanh  - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam
- Chúng ta thấy rằng cảng hàng không, sân bay có tính độc quyền đương nhiên ở chỗ hãng hàng không muốn bay đến Hà Nội thì chỉ có sân bay Nội Bài, anh không có lựa chọn khác. Trong việc xã hội hóa, các thành phần kinh tế khác ngoài nhà nước có thể tham gia vào đầu tư xây dựng và quản lý kinh doanh. Ở đây chúng ta phải đặt ra vấn đề chống lạm dụng vị thế độc quyền.

img
Vietnam Airlines muốn mua nhà ga T1, sân bay Nội Bài. Ảnh: Đàm Duy
Một nhà ga không chỉ có một công ty quản lý khai thác nhà ga ở đó mà có rất nhiều doanh nghiệp khác cùng hoạt động. Khi giao vào một nhà đầu tư, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh như thế nào thì vị thế quản lý của Nhà nước rất quan trọng. Pháp luật cũng quy định rất rõ để đảm bảo điều đó. Như trong Luật Đất đai 2013 nêu rõ, sổ đỏ chỉ được giao cho Cảng vụ Hàng không, sau đó Cảng vụ Hàng không mới ký hợp đồng cho thuê, giao quyền. Việc chuyển nhượng ở đây không liên quan đến đất. Hay như việc cấp phép bay, cảng hàng không không được quyền cho ai bay đến mà Bộ GTVT làm việc đó. Cảng cũng không có quyền can thiệp, từ chối hay không từ chối, đổi giờ bay. Về giá, toàn bộ giá dịch vụ hàng không phải nằm trong khung giá do Bộ GTVT quy định, các loại phí do Bộ Tài chính quy định. Các loại giá phi dịch vụ hàng không nằm trong khu vực cảng hàng không cũng thuộc khung giá do Bộ GTVT quy định. Đấy là những quy định của pháp luật để đảm bảo cơ bản chống vị thế độc quyền, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Có quy định rồi cũng phải làm sao để doanh nghiệp không lách được. Việc quản lý giám sát phải kịp thời để đảm bảo hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn nhà ga.

 

Thưa ông, vấn đề an ninh an toàn hàng không được tính đến như thế nào trong phương án nhượng quyền?

- Một trong những đặc thù của hàng không là tất cả các sân bay đều dùng chung và có nhiều sân bay nằm trong thế trận phòng thủ quốc gia, rất quan trọng. Xã hội hóa là việc thu hút nguồn vốn tư nhân trong đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh kết cấu hạ tầng hàng không và phải làm sao để không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng. Đấy là việc hết sức quan trọng, không chỉ của ngành hàng không mà của cả quốc gia. Đầu tiên là không ảnh hưởng đến cơ chế sân bay dùng chung giữa hàng không và quân sự. Thứ hai là hệ thống điều hành bay của chúng ta thuộc bộ phận quản lý bảo vệ vùng trời. Những lĩnh vực quản lý hoạt động bay cơ bản như kiểm soát không lưu, tìm kiếm cứu nạn, quản lý luồng không lưu, thông báo tin tức hàng không là những lĩnh vực không xã hội hóa, Nhà nước phải nắm 100%. Chúng ta cũng phải xác định những sân bay nào có vị trí quan trọng đối với quốc phòng an ninh để có chính sách, cơ chế cụ thể đối với từng công trình, hạng mục. Ví dụ, ta có thể phân biệt giữa công trình khu bay liên quan đến quốc phòng an ninh với khu nhà ga, việc xã hội hóa với từng công trình phải khác nhau chứ không thể đồng đều.

Thưa ông, hiện nay việc nhượng quyền cảng hàng không, sân bay đã có đầy đủ cơ sở pháp lý hay chưa?

- Phải nói rằng cơ sở pháp lý cho xã hội hóa trong lĩnh vực GTVT cơ bản đã hình thành, với hệ thống cơ sở pháp luật của Nhà nước từ Hiến pháp tới các luật, các nghị định hướng dẫn thi hành. Điều này đã tạo cơ sở pháp lý chung cho hoạt động xã hội hóa trong ngành GTVT nói chung cũng như ngành hàng không. Tuy nhiên, đấy là hệ thống pháp luật chung, đối với ngành hàng không có những đặc thù riêng. Vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Hàng không dân dụng sửa đổi 2014 sẽ có hiệu lực từ 1.7. Những đặc thù của kết cấu hạ tầng hàng không cần được quy định cụ thể sẽ được hướng dẫn trong các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hàng không sửa đổi. Trách nhiệm của Bộ GTVT là phải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành.

Xin cảm ơn ông!

Hiện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam với 100% vốn nhà nước được giao quản lý, khai thác 22 cảng hàng không sân bay với tổng công suất thiết kế tính đến hết tháng 3.2015 là 58 triệu lượt hành khách. 

 

Hàng loạt sân bay được đề nghị nhượng quyền

Sau khi Bộ GTVT có chủ trương nhượng quyền khai thác sân bay, các doanh nghiệp lớn đã nhảy vào sân chơi mới đầy tiềm năng này. Cụ thể, VietJet Air, Vietnam Airlines đề xuất nhượng quyền khai  thác nhà ga T1 Nội Bài; Công ty CP Hàng không Jetstar Pacific Airlines đề xuất nhượng quyền khai thác nhà ga (cũ) của Cảng hàng không Đà Nẵng; Tập đoàn T&T và Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương đề nghị được mua hoặc nhượng quyền khai thác Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; Tập đoàn Rạng Đông đề nghị được nhượng quyền khai thác sân bay Phan Thiết. Dự án xây dựng sân bay Quảng Ninh cũng đang được săn đón.

Hải Phong (tổng hợp)