Cá đuối thân dẹp, hình rẻ quạt, đuôi dài, đầu nhỏ, thân cá đuối tròn và dẹp. Đặc điểm chung của cá đuối là xương sụn, hình dẹt, đầu thân mắt bụng xếp tròn nhìn trông giống chiếc quạt, đuôi cá dài ra ngoài như cái cán quạt. Do thân cá được cấu tạo từ chất sụn cứng và đàn hồi nên thịt cá ngon và cho nhiều dinh dưỡng.
Cá đuối có rất nhiều loại. Vùng ven biển Tây Nam bộ chủ yếu chỉ có cá đuối nhỏ hình giống như con dơi sinh sống nên dân gian gọi là cá đuối dơi. Các ghe cào nhỏ đánh bắt gần bờ thường kiếm được bộn hàng loại này sau mỗi chuyến ra khơi.
Cá đuối (ảnh tác giả)
Cá đuối đem về thả vô thau, chậu rồi chế giấm chua vào. Lát sau, nhớt cá sẽ bị cuốn sạch. Dùng dao, kéo xẻ ngang mình cá, bỏ ruột, rồi rửa lại trong nước lạnh mấy lần cho sạch, để ráo.
Thường dân gian hay dùng cơm mẻ (loại cơm nguội lên men) để nấu canh chua cá này. Nồi nước sôi, cho cơm mẻ vào rồi dùng rổ lược bỏ xác. Nêm đường, bột ngọt, muối hột cho nồi canh vừa ăn, thả cá đuối vào, vớt sạch bọt.
Rau bổi nấu canh chua dân gian thường chọn là bông so đũa, bông súng, bông lục bình, rau nhút,… Nếu không thì nấu canh chua với khóm, cà chua, đậu bắp, nấm rơm, …
Cho rau bổi vào, nước vừa sôi, nêm lại rồi nhắc xuống, rắc ngò gai, ớt xắt lát lên phía trên.
Tô canh cá đuối (ảnh tác giả)
Canh chua cá đuối chấm với muối hột đâm nhuyễn, bột ngọt và ớt hiểm. Cũng xin nói thêm, người dân thường dọn món này kèm với món cá đuối nướng muối ớt.
Sự kết hợp hài hòa giữa các vị chua, mặn, ngọt, … làm cho bữa cơm thêm ngon miệng mà người thưởng thức không sao quên được hương vị miền biển ngọt ngào trong từng miếng canh chua dân dã.