Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, do giá cơ sở giảm không đáng kể nên cơ quan điều hành quyết định giữ nguyên mức giá bán lẻ xăng dầu tối đa cho phép đối với doanh nghiệp, song yêu cầu giảm mức sử dụng quỹ bình ổn. Theo mức giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu công bố hôm qua (13.4) thì mặt hàng xăng RON 92 và xăng E5 lãi nhẹ 29 đồng/lít. Các mặt hàng dầu có giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ từ 217-383 đồng/lít.
Ông Long giải thích, từ 1.5 tới thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu sẽ tăng lên mạnh (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít). Các doanh nghiệp xăng dầu thì ầm ầm kêu khó, nếu giảm giá xăng dầu lần này đi kèm với tăng thuế tới đây thì cơ quan điều hành sẽ “khó đỡ” giá xăng dầu thời gian tới trước sức ép của doanh nghiệp xăng dầu.
Thực tế, theo ông Long, tính từ ngày 26.3 (kỳ điều hành trước) đến nay, giá xăng dầu thế giới lên xuống thất thường nhưng vẫn duy trì ở mức thấp, giá cao nhất cũng chưa chạm ngưỡng 58 USD/thùng. Ông Long nói: “Cá nhân tôi cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu tiếp tục biến động ở mức thấp như vừa qua chúng ta vẫn nên giảm giá xăng dầu trong nước dù ít và nên điều chỉnh giảm chi phí định mức của doanh nghiệp xăng dầu, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này phải tiết giảm chi phí kinh doanh, hoa hồng”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, người tiêu dùng kỳ vọng, giá xăng dầu lần này sẽ giảm là hoàn toàn chính đáng, bởi nếu tính từ chu kỳ trước (từ ngày 11.3, giá xăng dầu thế giới đã giảm thêm tới gần 8% và chu kỳ này (tính từ 26.3), giá xăng dầu vẫn ở mức thấp, có những ngày giảm sâu (có ngày giảm gần 7%). “Cục diện thị trường xăng dầu hiện nay đang cho thấy các bộ ngành thì không muốn giảm nguồn thu và cũng chưa mạnh dạn vì lợi ích người tiêu dùng. Doanh nghiệp xăng dầu chỉ kêu khó cho mình (kêu thuế phí tăng lên) để “ép” các bộ. Như thế rõ ràng, trong công tác điều hành giá xăng dầu thời gian gần đây vẫn chưa thực sự có sự hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người dân”-ông Thắng nói.