Đất của dân vào tay doanh nghiệp
Tháng 12.2011, UBND TP.Huế thu hồi đất ở của hơn 100 hộ dân sinh sống bên đường Đặng Văn Ngữ, cạnh bờ sông An Cựu, thuộc phường An Đông. Theo quyết định thu hồi đất của UBND TP.Huế, việc thu hồi đất là để thực hiện dự án chỉnh trang và xây dựng bờ kè sông An Cựu, đoạn từ chợ An Cựu đến cống Phát Lát. Các hộ dân mất đất được chuyển đến sinh sống tại khu tái định cư thuộc phường An Đông.
Tin rằng việc thu hồi đất của chính quyền thành phố là để chỉnh trang, xây dựng bờ kè sông An Cựu, nên các hộ dân mất đất chấp hành di dời. Vậy nhưng, sau khi thu hồi đất của dân, UBND TP.Huế lại giao đất này cho Công ty TNHH Sinh vật cảnh An Đông (Công ty An Đông) sử dụng để kinh doanh. Trên diện tích đất hơn 9.000m2 được chính quyền thành phố giao, Công ty An Đông đang xây dựng ngôi nhà 2 tầng kiên cố với khuôn viên rộng lớn để kinh doanh cà phê, giải khát và phục vụ cho nhiều mục đích khác.
Bà Trần Thị Phước (75 tuổi) cho biết, tại nơi ở cũ, vì nhà gần chợ nên mỗi ngày gia đình bà kiếm được vài trăm nghìn đồng từ việc buôn bán. Từ ngày về khu tái định cư, cuộc sống gia đình bà hết sức khó khăn do không biết làm gì để kiếm sống.
Không chỉ bức xúc vì chính quyền nói một đằng làm một nẻo, hơn 100 hộ dân bị giải tỏa còn bất bình trước việc cơ sở hạ tầng ở khu tái định cư chưa hoàn thiện. Sau 4 năm chuyển về nơi ở mới, các hộ dân vẫn phải chịu cảnh đường sá tại khu tái định cư không đảm bảo và thiếu hệ thống điện chiếu sáng…
Câu trả lời không thỏa đáng
Sau nhiều lần liên lạc với lãnh đạo UBND TP.Huế để làm rõ vụ việc nhưng bất thành, chúng tôi phải tìm câu trả lời từ chính quyền phường An Đông. Ông Lê Trung Long - Phó Chủ tịch UBND phường An Đông cho biết, việc UBND TP.Huế giao đất thu hồi của người dân cho Công ty An Đông kinh doanh xuất phát từ đề xuất của phường.
Cụ thể, sau khi hoàn thành di dời dân, khu vực giải tỏa mất mỹ quan, tiềm ẩn nguy cơ tệ nạn xã hội, nhiều hộ lấn chiếm để kinh doanh, trong khi thành phố và tỉnh chưa có quy hoạch chi tiết. Vì vậy, UBND phường đề xuất chính quyền thành phố thực hiện xã hội hóa bằng cách… giao đất cho doanh nghiệp.
Theo ông Long, sau khi được sự đồng ý của UBND TP.Huế, phường An Đông đứng ra ký hợp đồng với Công ty An Đông về việc hợp tác xã hội hóa xây dựng một điểm xanh tại đây trong thời hạn 20 năm trên diện tích khoảng 9.000m2. Hàng năm, phía chủ đầu tư phải nộp một khoản tiền gần 40 triệu đồng cho ngân sách phường, vừa mang tính chất phúc lợi vừa để cho địa phương có nguồn thu.
Tuy nhiên, theo các hộ dân bị giải tỏa, câu trả lời trên của lãnh đạo phường An Đông là sự ngụy biện. Bởi lẽ, khi thu hồi đất của các hộ dân, chính quyền nói rõ là để thực hiện chỉnh trang và xây dựng bờ kè sông An Cựu chứ không nói để thực hiện dự án xã hội hóa bằng cách cho doanh nghiệp sử dụng đất để kinh doanh.