Ngày ấy, quê tôi còn nghèo lắm, quanh năm tần tảo chỉ tìm kiếm cái ăn, phương tiện giao thông hạn chế, chủ yếu là “cuốc bộ” chứ làm gì có xe cộ như bây giờ. Do kênh rạch chằng chịt, đứt quãng, không liền nhau nên dân làng mới dùng tre làm cầu để nối nhịp đôi bờ, phục vụ đi lại. Cầu tre cũng từ đó mà trở nên thân thuộc, gắn liền với đời sống của dân làng ở nơi đây.
Thân thương cầu tre nối nhịp đôi bờ (ảnh: Hoàng Lê)
Làm cầu tre không cần đến kinh phí, chỉ cần vài chục cây tre với bàn tay lao động của người dân quê là cho ra một chiếc cầu xinh xắn để phục vụ nhu cầu đi lại. Chiếc cầu tre tuy bé nhỏ nhưng rất hữu ích đối với con người; người lớn đi làm ăn, đi chợ; trẻ em đi học cũng cần đến chiếc cầu tre.
Nhớ lại tuổi thơ, từ nhà đến trường học phải qua đến tám cây cầu, cây nào cây nấy dài lắm, có cây đến 20 m. Bọn trẻ chúng tôi đi cầu tre giỏi lắm, trời mưa dù trơn trợt khó đi nhưng đi riết rồi cũng thành quen, chúng tôi chẳng những không ngại cầu tre mà xem đó như là điều thích thú trên con đường đến trường để học. Có hôm tan học, chúng tôi cởi áo rồi lên trung gian cầu nhảy xuống sông để tắm, đù giỡn, cười nói vang cả mé sông quê.
Quê tôi vào những mùa mưa, nước lớn lắm, có năm nước dâng lên rất cao ngập cả cây cầu. Thế là bọn trẻ chúng tôi phải ngồi chờ nước rút mới qua được cầu tre, đến trường đứa nào đứa nấy ướt nhem như chuột lột. Nghĩ lại mà thương cái cảnh khốn khó, vậy mà chúng tôi cũng học xong trường làng rồi học nghề thay đổi cuộc sống. Những lúc ấy, chiếc cầu tre như là một nhân chứng cho những ngày khốn khó của đám trẻ quê. Chiếc cầu tre như nâng bước chân của chúng tôi, thắp lên hy vọng, mở ra chân trời tương lai tươi sáng của chúng tôi phía trước.
Chiếc cầu tre như một nhân chứng sống động của tuổi thơ khốn khó (ảnh: Hoàng Lê)
Giờ đây, quê tôi đang từng ngày thay đổi với nhiều chiếc cầu mới khang trang mọc lên thay thế cho những chiếc cầu khỉ nối nhịp đôi bờ. Nhưng về sâu trong từng ngõ ngách thôn xóm, ta vẫn bắt gặp đâu đó vài chiếc cầu tre vẫn đang vươn mình nối nhịp cho bà con đi lại. Có thể nói, cầu tre như là một biểu tượng cho vùng đất và con người miền Tây mộc mạc nhưng ấm áp, nghĩa tình.
Đối với tôi, chiếc cầu tre ngày ấy có giá trị thiêng liêng, cùng chúng tôi trải qua những tháng ngày khốn khó; và hôm nay, dù cho chiếc cầu quê đã không còn nữa nhưng nó vẫn luôn ở mãi trong tiềm thức, đồng hành cùng chúng tôi trong cuộc sống hôm nay.