Hôm qua (15.4), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Diễn đàn “Phát triển DN trong kinh doanh nông nghiệp”- Công bố báo cáo thường niên DN Việt Nam 2014.
Quan trọng nhưng chưa quan tâm…
Cách đây vài năm khi đến giúp Việt Nam xây dựng Báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia lần đầu tiên, GS Michael Porter (Đại học Harvard) đã đặt câu hỏi: “Tại sao Việt Nam không thể trở thành một bếp ăn của thế giới?”. Ông đã nhận định: “Việt Nam có thể trở thành một nơi cung ứng các nông sản sạch, đa dạng cho thế giới. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này với điều kiện khí hậu và nền sản xuất nông nghiệp của mình”. Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua, câu hỏi và nhận định của GS Michael Porter vẫn chưa có câu trả lời và trở thành hiện thực.
Ông Hà Công Tuấn- Thứ trưởng Bộ NNPTNT cũng nêu thực tế, lĩnh vực nông nghiệp hiện chiếm tới 20% GDP nhưng chỉ có... 1% số DN là đầu tư vào khu vực này. “Đây là vấn đề nan giải của nền kinh tế Việt Nam sau mấy chục năm phát triển”- ông Tuấn nói.
Trong Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2014 mà bà Phạm Thu Hằng-Tổng thư ký VCCI-công bố hôm qua thì hiện cả nước chỉ có 3.635 DN nông lâm thủy sản, một con số quá nhỏ bé so với hơn 500.000 DN đang hoạt động và 3,6 triệu hộ kinh doanh cá thể. Tỷ trọng DN trong nông lâm thủy sản ngày càng có xu hướng giảm, từ 1,6% xuống còn 1% trong giai đoạn 2007-2013. “Điều này cho thấy, sự phát triển DN trong lĩnh vực nông nghiệp kém hơn hẳn sự phát triển của DN trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Nông nghiệp được xem là quan trọng nhưng lại chưa được quan tâm”- bà Hằng nói.
Nông nghiệp không thể thiếu DN…
Thiếu vắng DN là thiệt thòi cho khu vực nông thôn và với nông nghiệp. Ông Võ Hùng Dũng cho rằng, đã đến lúc phải xóa bỏ rào cản đó vì hiện nay khởi nghiệp ở khu vực này khó hơn nhiều so với các ngành công nghiệp, dịch vụ. DN muốn đầu tư vào nông thôn khó hơn bội lần so với ở đô thị. “Cứ nhìn vào những khoảng cách về cơ sở hạ tầng giữa khu vực nông thôn với thành thị, công nghiệp với nông nghiệp sẽ thấy vì sao nông nghiệp khó thu hút đầu tư. Tiếp đến là chính sách hỗ trợ đất đai và các ưu đãi cho DN theo quy định vừa yếu, vừa thiếu”- ông Dũng nói
Ông Đoàn Xuân Trúc cũng nêu một ví dụ: Sản phẩm thực phẩm trong nông nghiệp hiện có tới 3 cơ quan quản lý làm cho lưu thông ra thị trường phức tạp, tốn kém. “Chính khung pháp lý cồng kềnh này làm nản lòng DN đầu tư chế biến nông sản”.
Hay câu chuyện của bà Phạm Thu Hằng về quả vải Thanh Hà được một tổ chức của Đức hỗ trợ làm thương hiệu nhưng sau gần 10 năm (đến năm 2015) mới được cấp chứng nhận để xuất khẩu vào Mỹ, cho thấy sự thiếu thông tin, quá khó khăn mới có thể phát triển được một sản phẩm nông nghiệp. “Phải có các giải pháp, chính sách thuận lợi để nông sản Việt Nam sớm vươn lên”- bà Hằng nói.
Ông Vũ Tiến Lộc khẳng định: Nông nghiệp không thể thiếu DN. DN phải đóng vai trò động lực để phát triển khu vực này. Tái cấu trúc nền kinh tế hiện nay vẫn hy vọng đột phá từ nông nghiệp. Động lực lúc này là DN chứ không phải là “khoán hộ từ người nông dân”. Thời gian qua, các đại gia Việt Nam đã thức tỉnh đầu tư vào nông nghiệp là đúng đắn, cho thấy lợi thế, lợi ích và lợi nhuận cao của nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn là chưa đủ mà chúng ta cần phải có những chính sách đúng đắn để thu hút được DN đầu tư vào đây.
“Đừng để các DN than phiền họ không được miễn thuế cho dù áp dụng công nghệ cao để trồng hoa, chiết xuất collagen từ sụn cá tra. Hay có DN làm nước chanh leo tại Nghệ An phải bỏ chi phí (trong 3 năm) vận chuyển nguyên liệu từ Tây Nguyên về Nghệ An mà đủ để xây dựng một nhà máy mới. DN đầu tư vào nông nghiệp tới đây phải gắn được với quản trị hiện đại, công nghệ cao, gắn với giá trị toàn cầu muốn vậy, chính sách phải thiết thực cho nó…”-ông Lộc nói.