Hàng ngày cơ sở chế biến muối của ông sản xuất được tới 1,5 tấn muối. Cũng nhờ thế, mỗi năm ông thu cả tỷ đồng từ cái nghề độc đáo này.
Đến với muối vì… nghèo quá
Dẫn chúng tôi tới xưởng chế biến đặt tại khóm Tân Đông B, thị trấn Thanh Bình đúng vào thời điểm nhà xưởng đang hoạt động hết công suất vì vào đúng vụ thu hoạch muối của bà con diêm dân, ông Ba Bé kể: Mình đến với nghề làm muối sấy này trong một trường hợp rất đặc biệt. Chẳng là, năm 1998, ông nuôi 5.000 con cút đẻ nhưng thất bại nặng nề do chim bị bệnh chết. Đợt đó, ông lỗ nặng tới 200 triệu đồng, phải bán nhà, bán đất để trả nợ tiền vốn vay nuôi chim. Và cũng từ đó, đang từ một hộ khá giả trong vùng, ông được chính quyền cấp cho… sổ hộ nghèo.
Sạt nghiệp vì chim cút, ông được một người bà con trên Tây Ninh kêu lên làm muối sấy để bán. “Lúc đó tôi nghĩ, đến như gia đình mình, mỗi tháng sử dụng không hết một bịch muối 100-200gram, thì làm nhiều bán cho ai? Tuy nhiên khi ấy tôi kẹt quá đành phải làm”- ông Ba Bé nhớ lại. Khởi đầu, ông lên làm muối tại chợ Long Hoa (Tây Ninh), mẻ đầu mới làm được 50-60kg, vợ con phải mang xuống tận TP.HCM bán theo mấy đường hẻm cho mọi người ăn với trái cây. Ông bảo, lúc đó cực lắm. Có những lúc vợ, con tôi đi buôn bán, do nói chuyện trao đổi mua- bán ồn ào, người ở trong nhà ra đuổi, chưa kịp đi đã bị họ múc nước tạt vào ướt cả mình, cả muối…
Không cam chịu làm người thua cuộc, không chịu cảnh nghèo đói… ông Ba Bé quyết chí làm ăn, ngày đêm tìm tòi, thử nghiệm và đưa ra những sáng kiến hữu hiệu. Cuối cùng, ông đã tìm ra được công thức chế biến muối sấy chất lượng cao hơn và được thị trường ưa chuộng. Nói về bí quyết làm muối sấy, ông Ba Bé nói: “Trong quá trình làm, tôi có suy nghĩ: Muốn cho sản phẩm tồn tại, không có cách nào khác hơn là phải làm sao thay đổi chất lượng mới có thể bán được nhiều, cuộc sống của mình mới ổn định”. Và 2 năm sau, ông hình thành được công thức mới. Chẳng rõ “công thức” đó của ông là gì, nhưng sau đợt cải tiến đó, vợ con ông không còn phải đi bán lẻ nữa, mà được các tiệm tạp hoá, trái cây đặt hàng, có những ngày lên tới cả mấy chục kg. Chất lượng muối sấy do ông Ba Bé chế biến được khách hàng khen ngợi do vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, lại có chất lượng.
Tay không làm nên thương hiệu
Vui mừng với thành công bước đầu, ông Ba Bé cùng vợ và các con nỗ lực làm ăn, chế biến sản phẩm muối sấy thơm ngon, chất lượng và an toàn, tiện lợi… đem đi tiêu thụ khắp nơi. Bán kiếm được đồng nào, gia đình ông Ba Bé chi xài dè xẻn rồi để dành và kiếm thêm. Sau hơn 6 năm làm ăn trên mảnh đất Tây Ninh và TP.HCM, ông Ba Bé đã tích lũy được lưng vốn kha khá để trở về quê nhà gây dựng cơ sở chế biến vào năm 2006. Ông quyết định lấy thương hiệu muối sấy của mình là Ngọc Yến.
Ông Ba Bé tiết lộ, nguyên liệu chính để chế biến muối sấy rất đơn giản, chủ yếu gồm muối bọt, đường cát, tỏi, ớt, bột ngọt… Lúc đầu, cơ sở chế biến của ông chỉ sản xuất nhỏ lẻ với những dụng cụ chế biến thô sơ, mỗi ngày sản xuất và cung cấp ra thị trường 30 - 50kg muối sấy. Khi sản phẩm muối sấy Ngọc Yến được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp ưa chuộng, ông đầu tư thêm vốn mở rộng cơ sở sản xuất, trang bị thêm các thiết bị hiện đại như: Lò sấy muối bằng bồn inox; máy xay- máy trộn nguyên liệu tổng hợp, khép kín đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và 10 giàn phơi muối sau khi trộn theo đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế, với chiều ngang mỗi dàn phơi 3m, dài 10m và chiều cao 9 tấc.
Đó là bước đột phá đầu tiên và chỉ sau 1 năm, đến năm 2007, sản lượng muối sấy Ngọc Yến làm ra và tiêu thụ được 40 tấn; sang năm 2008, tăng lên 60 tấn… Cùng thời điểm đó, thương hiệu muối sấy Ngọc Yến được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Cũng từ đó, muối sấy Ngọc Yến ngày một vươn xa không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà còn vươn ra thị trường một số nước trên thế giới. Tại các tỉnh phía Bắc và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… hiện đều có nhà phân phối và các đại lý của cơ sở muối sấy Ngọc Yến. Nhìn cuốn sổ ghi số lượng và doanh số hàng năm của ông, tôi không khỏi giật mình, từ chỗ chỉ sản xuất được 40 tấn/năm (2007), đến năm 2014, cơ sở muối sấy Ngọc Yến của ông đã cán mốc 500 tấn với doanh thu hơn 15 tỷ đồng, trong đó riêng thị trường miền Bắc đã tăng trưởng 100%.
Do sản lượng tiêu thụ ngày càng tăng, cuối năm 2014, ông Ba Bé đã đầu tư trên 200 triệu đồng xây dựng thêm cơ sở 2 với sân phơi muối đạt tiêu chuẩn y tế quốc gia trên diện tích 1.000m2 tại khóm Tân Thuận, thị trấn Thanh Bình. Hỏi về số lãi đã thu được, ông Ba Bé tiết lộ: “Sau 8 năm làm muối, trừ chi phí gia đình tôi cũng lãi được 10 tỷ đồng”. Không những vậy, cơ sở của ông hiện đang giải quyết việc làm ổn định cho 30 lao động nhàn rỗi ở địa phương, với mức thu nhập từ 3,6 - 5 triệu đồng/người/tháng, cộng với các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn hàng năm.
Sẻ chia với những mảnh đời khó khăn
Không chỉ chú tâm phát triển sản xuất, kinh doanh, ông Ba Bé còn nặng lòng với những mảnh đời gian khó. Sau khi có của ăn, của để, ông đã trả lại sổ hộ nghèo. Rồi hàng năm, ông đều trích từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng để làm công tác từ thiện xã hội, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Với ông, chỉ cần biết được xã, ấp nào có những học sinh đang gặp khó khăn trong học tập, hộ dân còn khốn khó, những người cơ nhỡ, tật nguyền… bằng mọi cách, ông sẽ đến thăm hỏi và tặng quà.
Hơn 2 năm nay, ông Ba Bé thường xuyên hỗ trợ mỗi tháng 200.000 đồng/hộ cho 55 hộ nghèo trong huyện và tài trợ 1 triệu đồng/tháng cho Hội Đông y huyện Thanh Bình, tính ra mỗi tháng ông đều đặn bỏ ra 12 triệu đồng để làm từ thiện. Chỉ tính trong gần 10 năm qua, tổng giá trị tiền và vật chất mà chủ cơ sở sản xuất muối sấy Ngọc Yến - Huỳnh Văn Bé đã giúp cho những hộ nghèo ở huyện Thanh Bình lên đến hơn 2 tỷ đồng. Nói chuyện với chúng tôi về việc nghĩa này, ông Ba Bé tâm sự: “Tôi có cảm nhận một điều là khi đã khổ rồi thì mình mới biết cảnh khổ của người lâm vào trường hợp thiếu thốn về vật chất. Tôi có mơ ước là làm sao cho khá-giàu lên để giúp lại những người cùng cảnh khổ như mình trước đây. Năm nay, tôi dự tính dành ra cỡ 500 triệu đồng để làm từ thiện”.