Dân Việt

Quân đội lật đổ Tổng thống Ai Cập: không khó dự đoán!

05/07/2013 06:47 GMT+7
(Dân Việt ) - Cuộc đảo chính của quân đội Ai Cập đêm 3.7 đã lật đổ Tổng thống Morsi và đình chỉ Hiến pháp hiện hành. Ông Trần Nhật Quang- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông đã bình luận về sự kiện này.

Sự kiện quân đội Ai Cập đảo chính lật đổ Tổng thống dân cử Mohamed Morsi có phải là điều ngạc nhiên với thế giới, hay là một kết quả đã được dự đoán từ trước, thưa ông?

img
Cả những người phản đối và ủng hộ ông Morsi đều rầm rập xuống đường đêm 3.7.

- Theo tôi, sự kiện Tổng thống Ai Cập Morsi bị lực lượng quân đội phế truất quyền tổng thống chỉ mới sau 1 năm nắm quyền, trong một diễn biến được giới truyền thông gọi là “đảo chính” đã gây ngạc nhiên cho rất nhiều người. Tuy nhiên, dù ngạc nhiên, nhưng cũng phải nói rằng, đó là một kết quả không khó dự đoán. Bởi trước đó, ai cũng nhìn thấy trong thời gian cầm quyền, vị trí của ông Morsi đã không thực sự vững chắc.

Có 2 nguyên nhân để dẫn đến kết quả nói trên. Thứ nhất, ngay từ khi bầu cử Tổng thống giai đoạn 2011-2012, tỷ lệ cử tri đi bầu cử rất thấp, khiến chiến thắng của ông Morsi cũng không phải là ngoạn mục khi chỉ có được 51,37%. Số cử tri đi bầu ít và số phiếu giành được chỉ quá bán một chút có nghĩa là một bộ phận lớn dân chúng Ai Cập không ủng hội ông Morsi

Thứ hai, trong hơn 1 năm điều hành đất nước, Tổng thống Morsi đã không làm được nhiều điều như cam kết. Hơn một năm qua, tình hình Ai Cập trở nên khó khăn về kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và an ninh không ổn định với vô số các cuộc biểu tình lớn nhỏ đã xảy ra. Điều quan trọng là ông Morsi có xu hướng thâu tóm quyền lực cho cá nhân và cho tổ chức Anh em Hồi giáo bằng việc đưa ra Hiến pháp mới… Nói tóm lại, những chính sách và hành động của ông Morsi đã khiến ông không được lòng dân chúng, không được sự ủng hộ của quân đội.

Tuy nhiên, việc phế truất ông Morsi trong thời điểm này đang được cho là hành động khá nguy hiểm, và không ai dám chắc rằng, việc ông Morsi ra đi sẽ trả lại sự bình yên cho Ai Cập và các cuộc biểu tình sẽ lắng dịu, ông nghĩ sao về nhận định này?

- Đương nhiên, bởi tình hình Ai Cập rất khó dự đoán. Cho đến nay, không có đảng phái nào ở Ai Cập có thể giới thiệu một nhân vật mạnh mẽ hơn ông Morsi để nắm quyền tổng thống, cộng với việc phía sau ông Morsi là phong trào Anh em Hồi giáo khá mạnh nên không ai dám chắc rằng tình hình Ai Cập sẽ tốt đẹp hơn cả.

Ông đánh giá như thế nào về nhân vật Chánh án Tòa án Tối cao Mansour đang tạm thay quyền ông Morsi?

- Thực tế, ông Mansour là nhân vật không có ảnh hưởng và uy tín lớn đối với dân chúng. Việc giới thiệu ông Mansour lên nắm quyền tạm thời thay ông Morsi chỉ là hình thức phù hợp với Hiến pháp Ai Cập mà thôi.

Ông dự đoán như thế nào về thời gian điều hành đất nước của quân đội Ai Cập. Liệu lịch sử có lặp lại với 18 tháng cầm quyền như hồi đảo chính cựu Tổng thống Mubarak hay không?

- Thời gian quân đội nắm quyền điều hành đất nước Ai Cập hiện rất khó xác định. Thực tế là tương lai Ai Cập đang phụ thuộc rất lớn vào quyết sách của quân đội. Tuy nhiên cho đến nay, quân đội vẫn chưa có một lộ trình, kế hoạch rõ ràng nào. Theo tôi, với sức ép từ cộng đồng quốc tế và sự đặc biệt chú ý của thế giới hiện nay, quân đội Ai Cập sẽ sớm dàn xếp và tổ chức bầu cử sớm để chuyển giao quyền lực, ổn định đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Sẵn sàng sơ tán người Việt Nam khỏi Ai Cập

Trước diễn biến căng thẳng ở Ai Cập, ông Đào Thành Chung - Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập cho biết, các biện pháp sơ tán công dân Việt Nam đã được sẵn sàng. Sau một đêm bạo động, cho đến nay tình hình ở Cairo vẫn diễn ra bình thường, thậm chí trên các đường phố khá yên ắng. Quân đội Ai Cập cũng đã thông báo sẽ làm mọi biện pháp có thể để giữ ổn định an ninh cho thủ đô Cairo. Đại sứ cho biết thêm, hiện có khoảng hơn 80 người Việt sinh sống và học tập ở thủ đô Cairo và chưa có bất kỳ thông tin nào nói rằng người Việt tại Cairo bị ảnh hưởng do diễn biến khủng hoảng ở Ai Cập từ đêm 3.7 đến ngày 4.7.