Nguyên liệu chế biến “mảy nhương”, gồm măng cây vầu (dạng như cây trúc) hái trên rừng hoặc ở vườn nhà, thịt heo ba chỉ, trứng gà, bột gạo (30% bột nếp, 70% bột gạo), tiêu, bột ngọt, nước mắm, muối, ớt, rau ngò gai… Khi chế biến, người ta chọn những búp măng thật non vì có độ giòn, sau đó cắt lấy ngọn của búp măng (dài 10-15cm), rồi xẻ dọc, dùng tay uốn miếng măng cho phẳng, dùng dao gạch vào miếng măng nhiều đường rãnh với độ sâu vừa đủ, đem rửa sạch, cho vào nồi luộc. Trong khi chờ đợi măng chín, lúc này lấy thịt băm nhuyễn, và đổ bột gạo vào nước đã đun sôi, quấy cho đến khi bột gạo sền sệt đổ vào thịt vừa băm cùng với trứng gà và các loại gia vị. Tiếp đó, người chế biến quấy đến khi các nguyên liệu quyện với nhau trở thành “nhân” của món “mảy nhương”.
Lý do cho bột gạo vào “mảy nhương”, theo bà Triệu Thị Thập (người dân tộc Tày ngụ xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), để cho món “mảy nhương” có mùi thơm, bùi và dai khi ăn. Sau khi luộc xong măng, lúc này đến công đoạn cho “nhân” vào những đường rãnh đã rạch trước đó, rồi quấn lại cho lên nồi hấp cách thủy khoảng 1 giờ. Cũng có người cho rằng hấp cách thủy, thì vị ngọt và đắng của măng, chất béo trong “nhân” bị bốc hơi khiến miếng “mảy nhương” giảm vị thơm. Nên một số người chọn cách cho vào chảo để chiên đến khi miếng măng vàng óng, mùi thơm phức bốc lên, lúc này “mảy nhương” đã chín, người chế biến lấy ra đĩa, đem ra mộ để cúng Thanh minh cùng với những món khác, như cá, xôi ngũ sắc, trứng.
Sau nghi lễ, món “mảy nhương” được đem về nhà để gia đình cùng ăn hoặc đãi khách.