Dân Việt

Lợi dụng chuyển đổi ruộng để bán tài nguyên

Trần Thụ 18/04/2015 08:22 GMT+7
Lợi dụng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản (NTTS), trong một thời gian dài, người dân 2 xã Hùng Sơn, Thái Sơn (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) đào đất sét đem bán, nhưng chính quyền làm ngơ.

Mua bán công khai

Trong vai người đi mua đất, PV tiếp cận khu vực NTTS thôn Tân Sơn (xã Hùng Sơn) cách khu dân cư không xa, chứng kiến một diện tích đất nông nghiệp lớn bị xới tung. Cánh đồng khu Cầu Tràng, giáp ranh với khu đồng của xã Thái Sơn, vẫn có một chiếc máy xúc đang hoạt động.

img
Máy xúc vẫn tiếp tục đào bới ở ao thuộc khu NTTS của ông Vinh. (Trần Thụ)

Vào một quán nước ở thôn Tân Sơn, khi chúng tôi đề cập mua ruộng để khai thác đất sét, bà chủ quán nước nói: “Nhà tôi có mấy sào, các anh mua tôi bán. Nhưng để khai thác các anh phải “chạy” được đề án chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang NTTS...”. Khi đề cập đến giá cả, bà chủ quán cho biết từ 35 - 40 triệu đồng/sào. “Ở đây nhiều hộ đã bán với giá như vậy, nếu các anh có nhu cầu mua thực sự thì gặp chồng tôi trao đổi”. Bà chủ quán còn cho chúng tôi cả số điện thoại của chồng để liên hệ!

Một người dân (xin giấu tên) từng làm thuê cho những cai đất, cho biết: Mấy năm nay, cứ đến mùa khô (tháng 9 và 10 âm lịch), nhiều người từ Hải Dương, Thái Nguyên lại đổ về đây mua đất sét với giá 80 triệu đồng 1 xe tải to.

Chính quyền chỉ nắm qua!

Đến UBND xã Hùng Sơn để tìm hiểu về vấn đề này, PV gặp ông Hoàng Văn Kiên - Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn. Theo ông Kiên, từ năm 2012 trở về trước, xã có một vài dự án chuyển đổi mô hình sang NTTS. Còn từ 2012 tới nay không có dự án nào triển khai nên không thể có chuyện khai thác đất (?).



Bà chủ quán nước thôn Tân Sơn
  Nhà tôi có mấy sào, các anh mua tôi bán. Nhưng để khai thác các anh phải “chạy” được đề án chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang NTTS...”.  
Sau đó, ông Kiên phỏng đoán, khu vực khai thác đất có thể thuộc xã Thái Sơn. “Chắc các anh nhầm vì khu vực này giáp ranh 2 xã Thái Sơn – Hùng Sơn. Các chủ khai thác đất chỉ vận chuyển nhờ qua địa bàn xã Hùng Sơn” – ông Kiên nói. Theo ông Kiên, hiện trên địa bàn xã chỉ có 2 hộ chuyển đổi sang NTTS là hộ ông Vinh và hộ ông Mơ.

Trong khi đó, ông Dương Văn Hoan – cán bộ địa chính xã Thái Sơn cho biết: Khu vực giáp ranh giữa xã Thái Sơn và Hùng Sơn có diện tích 30ha ruộng trũng, đã được cấp có thẩm quyền cho hộ ông Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Văn Tỉnh, Nguyễn Văn Trường… và Công ty Ngọc Minh thuê nuôi lợn và NTTS. Khi cải tạo, nạo vét, các cá nhân nói trên có chuyển đất thừa để bán đi. Cũng theo ông Hoan, theo quy định, các hộ chuyển đổi từ ruộng cấy lúa sang NTTS chỉ được phép đào sâu không quá 2,5m. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, những ao đã đào có độ sâu vượt ngưỡng 2,5m nhiều lần.

Ông Ngô Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: Từ năm 2007, UBND tỉnh Bắc Giang cho phép một số hộ dân và Công ty Ngọc Minh chuyển đổi đất lúa sang NTTS và chăn nuôi lợn. Quá trình cải tạo ao hồ, họ tận dụng đất thừa vận chuyển đi nơi khác làm vật liệu xây dựng.

Theo ông Nguyễn Văn Bào – Trưởng phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Hiệp Hòa: UBND tỉnh Bắc Giang quy định, đối với đất sét (dư thừa trong quá trình nạo vét) ở khu vực này, nếu trên 3.000m3 do UBND tỉnh cấp phép, dưới 3.000m3 thì huyện cấp phép (khai thác vận chuyển).

Trước câu hỏi ai là người giám sát việc khai thác, vận chuyển đất dư thừa, ông Bào nói: Quân số của phòng chỉ có 5 người, công việc nhiều mà địa bàn huyện thì rộng nên việc quản lý chúng tôi phải giao cho cấp xã.