Chỉ với tờ giấy khai sinh đã nhòe mực và vốn tiếng Việt bập bõm, suốt 7 năm qua, ông René lặn lội khắp các cơ quan, báo chí ở TP. Hồ Chí Minh và Vũng Tàu để tìm mẹ. Mỗi năm, ông dành dụm để bay sang Việt Nam vài tháng và chỉ mải miết với mục đích của mình mà không phút giây nào thảnh thơi.
Ông là kết quả của mối tình giữa y tá Bùi Thị Năm và một quân nhân Pháp. (Ảnh: NVCC)
Theo khai sinh, René sinh năm 1948 tại Phước Lễ, nay là thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông là kết quả của mối tình giữa y tá Bùi Thị Năm và một quân nhân Pháp.
Không lâu sau khi ông chào đời, mẹ ông gửi con trai vào một cô nhi viện ở Đà Lạt. Những bức ảnh hiếm hoi được lưu lại cho thấy người phụ nữ với vẻ ngoài thanh nhã và nụ cười hồn hậu thi thoảng đến thăm và âu yếm con. Tuy nhiên, những năm sau đó, bà không còn lui tới đây.
Năm 1955, sau Hiệp định Geneva, thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam. René nằm trong danh sách khoảng 4.500 con em của quân nhân rời sang Pháp. Trong trí nhớ lờ mờ của một cậu bé 7 tuổi, René ra đi giữa quang cảnh cô nhi viện hoang tàn mà không có hề có bóng dáng bố hay mẹ tiễn đưa.
Cũng giống như bao đứa trẻ khác, René sau đó được đưa vào trại trẻ mồ côi ở thành phố Marseilles và thay tên tiếng Việt bằng tiếng Pháp.
Ông René và bức ảnh chụp cùng mẹ. Ảnh: Abc Color
Sau hơn 50 năm bươn chải kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau, René vẫn không biết ai là người đã sinh ra mình. Ông cũng chưa bao giờ nghĩ có ngày sẽ trở lại Việt Nam để tìm mẹ cho đến khi con gái ông nói rằng cô muốn gặp bà nội.
René từng trải qua nhiều khó khăn mới tìm ra bố vào năm 2007. Cựu quân nhân Pháp rời khỏi Việt Nam khi con trai mới một tuổi và từ đó không còn liên lạc gì. Thế nhưng chỉ ba năm sau cuộc hội ngộ trên hòn đảo xa xôi Martinique thì ông qua đời.
Giờ đây, không gì có thể ngăn ông René đối mặt với những thử thách trên hành trình tìm lại mẹ. Những lừa lọc hay những lần mừng hụt đều không làm ông nản lòng.
"Tôi muốn gặp lại mẹ tôi. Thậm chí, nếu mẹ đã qua đời, tôi cũng muốn được nhìn thấy mộ của bà", ông nói.