Má thường nói, đây là món ăn bổ dưỡng và dễ làm, nên hễ có tiền chợ là má mua về chế biến, để cho cả nhà cùng tăng sức. Trước hết, má cho mắm sặt vào nồi với một ít nước (nhớ ít nước thôi, nếu nước nhiều, chưng mắm sẽ không đặc, mất ngon!) nấu sôi cho đến khi thịt mắm rã ra. Dùng vợt lược lấy nước, bỏ xác cho vào tô. Kế đến, thịt ba rọi bằm nhuyễn, ướp cùng chút bột ngọt, hành tím (xắt mỏng)... cho vừa ăn. Kế đến, đập 2 trứng vịt, dùng đũa đánh cho hòa tan trộn vào hỗn hợp nêu trên, và cho tô vào nồi đặt lên bếp chưng cách thủy khoảng 15 phút. Dùng đũa xom thử thấy mắm đặc (không dính đũa) là chín.
Theo cách nấu của má, để cho tô mắm có màu sắc bắt mắt, phải đánh lòng đỏ trứng vit, ớt xắt miếng cho lên trên mặt tô mắm, chưng lại một lần nữa cho đến khi lòng đỏ đông đặc, nhắc xuống là xong!. Nhưng nếu để thế mà dùng suông là một sự phí phạm lớn sản vật của thiên nhiên, chưa tận hưởng hết “hương vị đặc trưng” của tô mắm. Muốn tô mắm chưng được thăng hoa, cần phải thêm những thứ “hương đồng cỏ nội” kèm theo như: dưa leo, xoài sống, chuối chát, khế chua, rau thơm (húng, quế, ngò om, đọt bằng lăng, đọt cóc,…) vào nữa thì mới “đúng bài”!...
Bữa ăn đã sẵn sàng. Cơm nóng bới ra chén. Chỉ cần gắp một miếng mắm chưng cùng vài cọng rau thơm, miếng chuối chát, khế chua…đưa lên miệng nhai chậm rãi, rồi và một miếng cơm nóng nữa, thật tuyệt vời!.
Sau này khi đã lớn, xa quê, tôi vẫn nhớ như in cách chế biến món này của má, không bỏ đi một công đoạn này. Mùi thơm của mắm, vị chua, chát, cay nồng của rau sống hòa lẫn vị béo, bùi, của thịt, của hột vịt đã làm nên hương vị đặc trưng của món ăn này, luôn đậm đà, dân dã, khó quên.