Cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 2,5 km, chùa Hội Linh nằm phía tay phải trên đường Cách Mạng Tháng Tám, thuộc phường An Thới (nay phường Bùi Hữu Nghĩa), quận Bình thủy, TP.Cần thơ. Chùa được xây cất bằng tre lá vào năm 1904 (Giáp Thìn) do Hòa Thượng Thích Thanh Hương, hiệu Khánh Hưng khai sơn, có tên là Hội Long Tự. Đến năm 1914 (tháng 4 năm Giáp Dần), chùa được trùng tu lần đầu và đổi tên là Hội Linh Cổ Tự (đời cố Hòa thượng Thích Hoằng Đạo)… Đến nay tên chùa vẫn giữ nguyên, nhưng trong nhân dân quanh vùng vẫn quen gọi là chùa Xẻo Cạn, vì ngày xưa cạnh chùa có con rạch cạn, nay đã bị bồi lấp...
Toàn cảnh chùa Hội Linh (ảnh: BCT)
Lúc trước, muốn vào chùa tham quan, du khách phải dừng xe trước cổng bên ngoài đường Cách mạng Tháng Tám, rồi xuống xe đi bộ trên con đường hẹp, đất đá gồ ghề, bề ngang khoảng 6 mét, dài khoảng 400 mét mới tới cổng chính chùa. Nay đường vào chùa được tráng nhựa phẳng phiu và được nới rộng thêm, nên xe du khách có thể thoải mái dừng đậu trước sân chùa.
Bước vào chánh điện và nhà hậu tổ, du khách sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về nét kiến trúc khá độc đáo của các nghệ nhân xây dựng thời xưa: Toàn bộ mái chùa được phủ bởi ngói đỏ (nay đã rêu phong). Hệ thống vòm mái được nâng đỡ bởi 16 cột gỗ lim tròn (chánh điện) và 20 cột gỗ lim tròn (nhà hậu tổ), đường kính 25 cm có chân đế bằng đá tảng, chạm trổ hình hoa sen, trên mỗi cột đều có những liễn, đối. Các vì kèo trên chánh điện và nhà hậu tổ đều được làm theo kiểu nhà trính, các cây trỏng được gọt đẽo đặt trên khối hình vuông, hình thang, đầu trỏng có hình cánh dơi...
Chánh điện chùa Hội Linh. (ảnh: BCT)
Mặt tiền chánh điện được phân làm ba gian và có một lầu. Lầu được chia làm ba gian để thờ Phật Thích Ca, Quán Âm, và Địa Tạng. Mái lợp xi măng đúc thành hình vảy cá. Trên đỉnh là hình búp sen, bầu rượu, các đầu đao hình rồng, hoa lá uốn cong. Cũng giống như các ngôi chùa thuộc dòng Thiền tông Lâm tế khác, chùa Hội Linh là nơi thờ Phật Thích Ca, Di Lặc, Chuẩn Đề, Ngọc Hoàng, các vị Kim Cang...
Với lối kiến trúc đa dạng độc đáo, du khách sẽ còn được chiêm ngưỡng những tuyệt tác mỹ thuật khác ở bên trong: Đó là một số tượng gỗ được chạm khắc rất khéo léo, mang tính nghệ thuật cao như: nhóm tượng Diêm Vương với 4 ông Phán quan, Địa Tạng Vương Bồ Tát cỡi Lân, Hộ Pháp, Thích Ca sơ sinh... (chánh điện), tượng phật Chuẩn Đề 18 tay cưỡi Khổng Tước (nhà hậu tổ), tượng ông Giám Trai (dưới nhà trù) - người tự nguyện suốt đời ở trong nhà bếp bửa củi, nấu cơm cho chúng tăng. Nhìn chung, toàn bộ kiến trúc và điêu khắc ở chùa Hội Linh rất đáng kể về lượng và cả về chất.
Tượng Phật Chuẩn Đề 18 tay cưỡi Khổng Tước. (ảnh: BCT)
Tham quan di sản văn hóa bên trong xong, khách nhàn du có thể tản bộ ra bên ngoài để thưởng ngoạn phong cảnh xung quanh chùa. Trước sân là hồ sen hình bán nguyệt với những bông sen hồng lung linh đưa hương thoang thoảng (vào mùa hè), ngay chính giữa hồ là tượng Phật bà Quán Âm ngự trên tòa sen uy nghiêm và trang trọng. Điểm xuyết vào khung cảnh đó là những giàn cây cảnh đa dạng, phong phú được các nghệ nhân chăm sóc khéo léo, cẩn thận như: như cây duối uốn nhiều tầng được cắt tỉ công phu, 02 cây khế cổ thụ trên trăm tuổi, những cây mai chiếu thủy lâu năm xòe những chùm bông trắng tỏa hương thơm ngát. Phía bên trái sân là tượng Phật Di Lặc với nụ cười hiền hòa bao dung, và phía sau cùng là những quần thể tháp uy nghi, cổ kính. Đây cũng là nơi an nghỉ cuối đời của các vị Hòa thượng tiền nhiệm (tháp của Hòa thượng Pháp Thân, Hòa thượng Chơn Đức, cùng các bậc tiền bối xưa có công sáng lập chùa…) và cuối cùng phía sau hậu liêu là Trai đường với kiến trúc 2 tầng khang trang (xây dựng mới vào năm 2010), kế bên là nhà trù (nhà bếp)…
Ngoài những nét đặc trưng về văn hóa và nghệ thuật kể trên, chùa còn ghi lại dấu ấn về lịch sử gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược. Dưới đời cố Hòa Thượng Thích Pháp Thân (1941-1970), chùa Hội Linh đã được tu sửa nhiều lần vì bị chiến tranh tàn phá (1947). Và chính Hòa Thượng Thích Pháp Thân cùng các đệ tử (trong đó có Hòa Thượng Thích Chơn Đức) phải chịu cảnh tra tấn, tù đày của địch (1959-1962), vì đây là nơi nuôi giấu, che chở cho nhiều cán bộ cách mạng hoạt động nội thành…Vào năm 1966 khi Mỹ ngụy lập Trại tù binh ở Lộ Tẻ (đầu đường Trần Quang Diệu, TP.Cần Thơ hiện nay), nhà chùa và các phật tử trong vùng còn làm thêm nhiệm vụ tiếp đón thân nhân của các cán bộ, chiến sĩ ta. Mỗi tuần có hơn 200 người từ các nơi về thăm nuôi vào tối thứ năm, được nhà chùa lo ăn ở rất chu đáo...
Với những thành tích và nghĩa tình sâu nặng đó, vào ngày 28/04/1992, Ủy Ban Nhân dân TP. Cần Thơ đã ra quyết định công nhận chùa Hội Linh là một Địa chỉ Đỏ. Và ngày 21/6/1993, Bộ Văn Hóa Thông tin ban hành Quyết định số 774/QĐBT/1993 công nhận Chùa Hội Linh là Di tích Lịch sử Văn Hóa cấp Quốc Gia, là cơ sở Cách Mạng từ năm 1941-1975.
Đặc biệt, Nhà nước đã trao tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất cho chùa Hội Linh và ghi công liệt sĩ Dương Văn Đề (tức Hòa thượng Thích Pháp Thân) đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Tháp của Hòa thượng Thích Chơn Đức. (ảnh:BCT)
Dù đã hơn 100 năm tồn tại và nhiều lần tu sửa tôn tạo, nhưng các vị Hòa Thượng cùng các đạo hữu đã đảm bảo được tính nguyên gốc của Di tích.
Hàng năm, vào các ngày lễ Tết (Tết Nguyên đán, Tết Đoan Ngọ, Lễ Vu Lan…), ngày húy kỵ của cố Đại lão Hòa thượng Thích Pháp Thân (18/08.Âl), húy kỵ Hòa thượng Thích Chơn Đức (21/09. Âl), quí chư Tôn đức và phật tử các tỉnh gần xa đến chùa tham dự rất đông. Và, chùa Hội Linh hiện nay là một địa chỉ du lịch mỗi dịp khách đến tham quan TP. Cần thơ.