Dân Việt

Người giữ hồn âm nhạc Cơ Tu

30/05/2011 19:36 GMT+7
(Dân Việt) - Say mê âm nhạc, ông Nguyễn Văn Cần (67 tuổi, ở thôn Phú Túc, xã Hoà Phú, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã sưu tầm và phục chế các loại nhạc cụ cổ truyền của người Cơ Tu.

Vốn có khiếu âm nhạc, ông Cần biết làm và chơi hầu hết các loại đàn của người Cơ Tu. Lúc rảnh rỗi, ông lấy sáo, đàn ra thổi chơi hoặc vào rừng lùng tìm cây lồ ô, quả bầu về làm đàn...

img
Ông Cần trình diễn một bài hát bằng đàn Cápbruốc.

Giữ gìn vốn quý

"Đàn Cápbruốc, Càròn, Rhăm, Tarha... là bản sắc của người Cơ Tu. Ông cố nội, cha mẹ tôi đều biết làm. Nhưng đến nay, cả thôn này không còn ai biết làm nhạc cụ của người Cơ Tu nữa. Những chiếc đàn từ hồi ông, cha truyền lại cũng không còn nhiều. Cả làng chỉ còn 2-3 người già biết chơi. Thanh niên trong làng không ai biết làm đàn cũng không biết chơi đàn"- ông Cần tâm sự.

Tiếc cái hồn của dân tộc đang dần biến mất khỏi cuộc sống, từ năm 2003, ông Cần lặng lẽ đi tìm cây lồ ô, quả bầu... gọt, đẽo làm Càròn, Rhăm... vừa để thổi chơi hàng ngày, vừa để trình diễn vào các ngày lễ hội.

Mang những nhạc cụ tự tay làm ra cho chúng tôi xem, ông Cần say sưa giới thiệu: "Cái ống sừng trâu này là Cápbruốc. Phải chọn sừng trâu to, sau đó gọt giũa rồi đục lỗ, đặt lưỡi gà làm bằng cây chổi đót vào trong. Cuối cùng lấy sáp ong rừng trét kín lại.

Sáo Rhăm được thổi khi các đôi trai gái hát giao duyên. Làm Rhăm phải chọn ống trúc già, mỏng. Trên ống trúc đục 6 lỗ, phía đầu ống đặt miếng đồng mỏng hình lưỡi gà. Khi thổi vào, âm thanh sẽ phát ra, nhịp điệu phụ thuộc vào sự nhấn, mở của các ngón tay đặt trên các lỗ dọc ống. Còn đàn Tarha được làm bằng thân cây lồ ô và quả bầu. Phải chọn cây lồ ô thẳng, phơi khô, quả bầu cũng được phơi khô. Quả bầu càng to thì âm thanh của đàn càng to...".

Mong truyền lại cho con cháu

Hiện, ông Cần mới làm lại được 4 loại đàn Rhăm, Cápbruốc, Tarha, Càròn. Ông tâm sự: "Việc làm các loại đàn của người Cơ Tu cần nhiều thời gian và sự khéo léo. Không thể làm nhanh, làm ẩu được.

Đầu tiên phải chọn được nguyên liệu tốt. Muốn làm Tarha hay phải tìm được cây lồ ô đẹp. Ở vùng này không có, tôi phải lên tận Tây Giang (Quảng Nam) mới mua được. Có khi tìm một cây lồ ô ưng ý phải mất cả năm trời.

Sau đó phải đục, gọt, đẽo rồi chỉnh âm cho đạt đến độ vang, trong nhất định mới coi là hoàn thiện". Ông Cần cho hay, để làm một chiếc đàn Tarha, ông mất 2 ngày, còn làm Rhăm cần 5-6 ngày, Cáp bruốc 3 ngày.

Với những cống hiến trong việc giữ gìn âm nhạc truyền thống của dân tộc Cơ Tu, năm 2009, ông Nguyễn Văn Cần được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc.

Ông tâm sự, ông rất muốn làm những loại nhạc cụ khác của người Cơtu nhưng chưa thực hiện được bởi nguyên liệu để làm chúng ngày càng hiếm. "Tôi muốn làm đàn Rang và làm thêm một chiếc Cápbruốc nhưng lùng tìm sừng trâu to và ống lồ ô đẹp, không bị mọt cả năm nay rồi chưa tìm được"- ông Cần nói.

Song, điều khiến ông Cần trăn trở là hiện trong làng chỉ còn mình ông biết làm đàn của người Cơ Tu. Ông muốn dạy thanh niên trong làng cách làm cũng như cách chơi đàn, nhưng rất ít người chịu học, trong khi tuổi ông ngày càng cao, không biết sẽ về với tổ tiên ông bà lúc nào.

"Thanh niên trong làng không ai hào hứng học làm đàn. Ngay cả những đứa con của tôi cũng thế. Chúng không biết làm, không biết chơi nhạc cụ của đồng bào dân tộc mình"- ông Cần buồn rầu nói.

Mặt trời khuất bóng sau núi. Ông Cần đem đàn ra trước hiên nhà. Những âm thanh trong trẻo khoẻ khoắn vang vọng, ngân dài theo ngọn gió. Chia tay ông, chúng tôi tin, ông sẽ sớm tìm được người để truyền dạy di sản âm nhạc của đồng bào Cơ Tu.