Dân Việt

Cần khung pháp lý mạnh cho doanh nghiệp

30/05/2011 06:29 GMT+7
(Dân Việt) - Đó là kiến nghị của các đại biểu tham dự hội nghị bàn tròn quốc gia về sản xuất và tiêu thụ bền vững lần thứ 5, do Bộ Công Thương và Bộ TNMT vừa tổ chức tại Khánh Hòa.

Lợi ích lớn từ sản xuất sạch hơn

Bà Nguyễn Lệ Thuỷ - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch giáo dục tài nguyên và môi trường (Bộ KHĐT) cho biết, đến nay VN đã có hàng trăm doanh nghiệp (DN) ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH). Cùng với đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh tại VN đã ngày càng chú ý tới các phương pháp sản xuất và tiêu dùng thân thiện môi trường. Trong ngành năng lượng, tỷ lệ thất thoát điện từng bước được khống chế và giảm dần.

img
Áp dụng sản xuất sạch hơn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Chương trình "Công nghiệp hoá sạch" hay còn gọi là SXSH trong công nghiệp đã được Bộ Công Thương triển khai mang lại những kết quả đáng khích lệ, nhiều DN đã áp dụng SXSH và kiểm toán được chất thải. Hàng nghìn cán bộ tư vấn SXSH đã được đào tạo và tập huấn... Đây được coi là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy Chiến lược quốc gia về SXSH trong công nghiệp sớm về đích.

Mới 11% DN áp dụng

Tuy nhiên, theo bà Thủy, việc triển khai SXSH vào thực tiễn quản lý môi trường trong công nghiệp vẫn còn rất nhiều tồn tại và thách thức. Khảo sát từ tháng 8.2010 đến tháng 2.2011 của Hợp phần SXSH trong công nghiệp (CPI) với 63 Sở Công Thương và 9.012 DN sản xuất công nghiệp cho thấy: Tỷ lệ DN công nghiệp có nhận thức về SXSH mới chỉ đạt 28%. Đến nay cũng mới chỉ có 2.509 DN, tương ứng 28% DN sản xuất công nghiệp trên toàn quốc có nhận thức về SXSH với mức độ nhận thức khác nhau.

Đáng chú ý, tính đến đầu năm 2011, cả nước mới có 1.031 DN, tương ứng 11% DN sản xuất công nghiệp trên toàn quốc có áp dụng SXSH. Cũng chỉ mới có 7 tỉnh thành phố đáp ứng được mục tiêu có 25% DN sản xuất công nghiệp thực hiện SXSH (An Giang, Quảng Bình, Ninh Bình, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Nội, Thái Nguyên). TS Trần Văn Nhân - Giám đốc Trung tâm SXSH VN cho biết, để các DN, tổ chức xã hội phải tuân thủ áp dụng các giải pháp SXSH thì VN vẫn chưa có một khung pháp lý cao và chế tài đủ mạnh.

Phải có luật để bắt buộc thực hiện

Một trong những mô hình được các đại biểu đưa ra và kiến nghị VN thúc đẩy áp dụng cùng với chiến lược SXSH là xây dựng các khu công nghiệp-khu chế xuất (KCN- KCX) sinh thái. Hiện tại mô hình KCX sinh thái Linh Trung 1 (Thủ Đức, TP.HCM) là một điển hình, với 26 DN và 2 ngân hàng đang hoạt động trong KCX. Các DN đã chủ động thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải tại nguồn; thực hiện trao đổi phế phẩm, phế liệu với nhau hoặc với các cơ sở thu mua phế liệu, tái sinh, tái chế chất thải bên ngoài KCX...

Các đại biểu dự hội nghị kiến nghị VN cần sớm xây dựng khung pháp lý mạnh hơn, có chế tài mạnh hơn để buộc các DN tham gia SXSH. Ông Nhân cho rằng, các DN phải nhận thức được đây là lợi ích của mình và cộng đồng để thực hiện SXSH như một cách để đầu tư có lãi. Ngân sách Nhà nước có thể hỗ trợ DN bước đầu song để tránh ỉ lại thì bản thân các DN phải có luật để bắt buộc phải thực hiện.

Các đại biểu dự hội nghị cho rằng, trước mắt Chính phủ cần ban hành Chương trình quốc gia về Sản xuất và Tiêu thụ bền vững làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động sản xuất và tiêu thụ bền vững tại các ngành, các địa phương. Các bộ, ngành xây dựng và triển khai các mô hình SXSH, các mô hình cộng đồng bền vững nhằm thay đổi một bước các mô hình sản xuất và tiêu thụ hiện có theo hướng bền vững, thân thiện môi trường.