Cũng theo vị lãnh đạo Sở NNPTNT TP.Cần Thơ, công tác tuyên truyền, tập huấn giám sát VTNN cần phải làm cho người dân hiểu là cần mua các loại VTNN có nguồn gốc rõ ràng, tin cậy, tránh mua hàng trôi nổi. Khi phát hiện phân bón có vấn đề khác thường, phải báo ngay cho cơ quan chức năng và giữ lại các mẫu phân, hóa đơn chứng từ để thuận lợi cho việc xử lý giám sát, bảo vệ quyền lợi cho ND. Bởi vì, trước đây đã có nhiều trường hợp ND trình báo phân bón giả nhưng lại thiếu những thông tin cụ thể để cơ quan chức năng có thể vào cuộc xử lý.
Còn ông Nguyễn Kim Tuấn (63 tuổi), ND ở xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn (Bình Định) chia sẻ: “Tôi là người vãi phân bón lúa, bón cây ớt hàng ngày, nhưng lâu nay không biết loại nào là giả, rởm hay kém chất lượng. Mình chưa nhìn thấy cái mẫu vật tư giả nào nên không thể nhận biết ngay được. Ngay thuốc trừ rầy cũng có nhiều loại, nếu phun mà thấy không hiệu quả, không đạt yêu cầu là chuyển sang dùng thuốc khác ngay chứ không nghĩ thuốc đó là giả hay thật”. Ông Tuấn và nhiều người khác mong rằng, hoạt động giám sát VTNN do Hội chủ trì thực hiện sẽ có kết quả thực chất để giúp ND giảm thiệt hại từ nguy cơ này.