Trong vụ việc mới nhất, ngày 19.4, hơn 900 người được cho là đã chết sau khi một chiếc tàu chở người di cư lậu bị lật tại biển Địa Trung Hải, trở thành thảm hoạ hàng hải tồi tệ nhất từ khi kết thúc Thế chiến II.
Buôn bán nô lệ
Vụ đắm tàu xảy ra cách bờ biển Libya khoảng 60 hải lý (110km) và cách đảo Lampedusa của Italia 120 hải lý. Tàu đánh cá chở người nhập cư đã phát tín hiệu kêu cứu. Cảnh sát biển Italia nhận được tin lúc nửa đêm 18.4 và đã yêu cầu tàu chở hàng King Jacob của Bồ Đào Nha có mặt trong khu vực chuyển hướng đến cứu. 28 người được cứu đầu tiên thuật lại lúc nhìn thấy tàu King Jacob đến gần, những người đi trên tàu đánh cá đã dồn sang một bên và tàu bị lật nghiêng.
Một chiếc tàu nhỏ nhét đầy người di cư lậu đánh cược mạng sống để đến được châu Âu. One- Europe
Một người đàn ông sống sót đến từ Bangladesh cho biết, chiếc tàu chở 950 người di cư trong đó có 200 phụ nữ và 50 trẻ em. Nhân chứng này cũng nói với các công tố viên rằng, khoảng 300 người di cư đã bị nhốt trong một khoang của con tàu khi nó bị chìm.
Con tàu này ban đầu xuất phát từ Ai Cập và sau đó đã dừng lại trên bờ biển Libya gần thành phố Zuwarah đón thêm hành khách.
Thủ tướng Italia Matteo đã triệu tập một cuộc họp khẩn gồm các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu để bàn giải pháp giải quyết tình hình hiện nay và ngăn chặn làn sóng di cư lậu bằng đường biển. Thủ tướng Matteo nhấn mạnh: Nạn buôn người di cư đã đẩy lên một mức mới đó là “buôn bán nô lệ”. Tất cả chúng ta phải chiến đấu chống lại bọn buôn bán nô lệ thế kỷ 21”. Đến ngày 20.4, khoảng hơn 20 tàu và 3 trực thăng đã được Hải quân Italia huy động tìm kiếm những người sống sót mặc dù hy vọng rất mong manh. Hải quân Italia cho biết đã có khoảng 40 thi thể được vớt lên.
Báo Dailymail dẫn lời một nhân viên cứu hộ cho biết, một trong những khám phá đầu tiên của họ là cơ thể của một cậu bé, chừng 15 tuổi, trong tư thế úp mặt xuống một bể dầu. Mực nước biển sâu, trũng có thể khiến nhiều thi thể sẽ không bao giờ được tìm thấy, trong đó, đau đớn hơn là những thi thể này khi rơi xuống biển sẽ trở thành mồi cho cá. Điều này đã từng xảy ra ở những thảm kịch tương tự ngoài khơi bờ biển của Libya, Italia và các quốc gia Địa Trung Hải khác trong những năm gần đây. Nếu các số liệu trên được xác nhận, vụ đắm tàu này sẽ là thảm kịch lớn nhất trong trong số những vụ đắm tàu chở người nhập cư trái phép vào Liên minh Châu Âu bằng đường biển.
Biển chứ không phải nghĩa địa
Bọn đưa người vượt biên bằng đường biển đã lợi dụng tình hình xung đột ở Libya để tăng cường các hoạt động trong thời gian gần đây. Làn sóng người di cư đang đổ xô đến bờ biển Italia để từ đó tìm đường vào châu Âu, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng khi vượt Địa Trung Hải bằng tàu thuyền của bọn buôn người.
Các nhà hoạt động xã hội cho rằng “một ngôi mộ tập thể” đã được tạo ra trong vùng biển Địa Trung Hải và các chính sách châu Âu phải chịu trách nhiệm về việc này. Trên thực tế, hàng ngàn người đang tuyệt vọng bởi các cuộc khủng hoảng, các cuộc giao tranh và chiến tranh biên giới, đã tìm cách chạy trốn đến những vùng đất mới. Tuy nhiên cửa ngõ vào châu Âu đã bị đóng, buộc người dân trong hành trình tìm kiếm sự bảo vệ buộc phải liều mạng sống và đôi khi, đánh cược với cả tử thần trên biển.
Ngoài công dân của những quốc gia đang bị xung đột, một số lượng lớn người di cư bất hợp pháp đến từ các nước nghèo, các nước đang phát triển, họ là nạn nhân của bọn buôn người, thậm chí phải trả một khoản tiền để liều mình vượt biển đi tìm cuộc sống mới…
Mới tuần trước, 400 người được cho bị chết đuối khi một chiếc tàu khác bị lật và chìm trên biển. Theo Liên Hợp Quốc, chỉ từ đầu năm đến nay, hơn 35.000 người tị nạn và người di cư đã đến miền nam châu Âu bằng tàu thuyền, khoảng 1.600 người đã chết trên đường đi. Trong năm 2014, khoảng 219.000 người đã vượt Địa Trung Hải và 3.500 người đã thiệt mạng. Thủ tướng Italia cho biết, có khoảng 900 người nhập cư châu Phi thiệt mạng từ đầu năm đến nay khi sang châu Âu qua Địa Trung Hải. 91% số người nhập cư đến Italia từ châu Phi đi ngả Libya. Năm nay có khoảng 20.000 người nhập cư đến miền Nam châu Âu.
Xót xa trước những thảm kịch đáng lẽ ra có thể ngăn chặn được, Thủ tướng Italia Matteo nhấn mạnh: “Đó là biển chứ không phải nghĩa địa”. Trong khi đó, thủ lĩnh đảng Liên đoàn Phương Bắc Matteo Salvini trong một thông điệp được cho là để giành thêm uy tín cho đảng của mình trước cuộc bầu cử địa phương vào cuối tháng 5 tới, đã chỉ trích chính sách tiếp nhận người nhập cư trái phép của Chính phủ Italia, đồng thời yêu cầu Italia và cộng đồng quốc tế phải tiến hành "phong tỏa ngay tức khắc" bờ biển Libya nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư đang hướng về Italia.