Ngày 20-4, tại TP.HCM, Hiệp hội Các nhà sản xuất và cung cấp thịt Liên minh châu Âu (EU), Liên minh nhà sản xuất ngành công nghiệp thịt Ba Lan (Upemi) đã tổ chức buổi họp báo giới thiệu thịt heo, thịt bò châu Âu cũng như các chế phẩm từ thịt. EU còn lên hẳn một chiến dịch quảng bá chất lượng, hương vị thịt của thị trường này với mục đích gia tăng xuất khẩu vào Việt Nam, đón đầu FTA Việt Nam - EU sẽ được ký kết trong năm 2015. Vậy là những “ông lớn” của ngành chăn nuôi thế giới như Mỹ, Canada, Úc và giờ đến lượt EU đã và đang lên kế hoạch chiếm lĩnh thị phần thịt Việt Nam.
Thịt bò, heo… nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều ở phân khúc tiêu dùng bình dân như chợ, siêu thị. Ảnh: HTD
Phủ kín thị trường
Vài năm trở lại đây, thịt bò Úc, Mỹ nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều ở phân khúc tiêu dùng bình dân như chợ, siêu thị. Mới đây, vào tháng 3-2015, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Canada đã dẫn một đoàn các nhà sản xuất thịt nước này quảng bá thịt bò Canada tại Việt Nam với kế hoạch tấn công các chuỗi nhà hàng, khách sạn, nhà bán lẻ.
Còn đối với EU, bà Agnieszka Rózanska, Giám đốc điều hành Hiệp hội Các nhà sản xuất và cung cấp thịt EU, cho biết hiện nay có hơn 100 doanh nghiệp (DN) EU đã được phía Việt Nam cấp giấy phép nhập khẩu thịt. Kế hoạch trong năm 2015, EU đặt mục tiêu gia tăng sản lượng thịt xuất khẩu vào Việt Nam lên 5%. Con số tăng trưởng trên sẽ thực hiện được vì nhu cầu tiêu thụ thịt heo, bò EU của Việt Nam đang tăng mạnh. Năm 2013, Việt Nam mới chỉ nhập 744 tấn thịt heo châu Âu nhưng đến năm 2014, con số này là 6.149 tấn. Năm 2014, Việt Nam cũng đã nhập hơn 1.720 tấn thịt bò từ châu Âu (tăng hơn 70 lần so với năm 2012).
Ông Mariusz Boguzewski,Tham tánkinh tế Đại sứ quánBa Lan tạiViệtNam, cũng tiết lộ hiện nay có tới 40 DN Ba Lan được cấp giấy phép nhập khẩu thịt vào Việt Nam. Thịt đùi, xương ống heo là những sản phẩm Việt Nam nhập chủ yếu. Ba Lan có thế mạnh là nước xuất khẩu thịt lớn thứ tư EU với công nghệ bảo quản đông lạnh thịt hiện đại, trong 18 tháng thịt heo vẫn giữ được chất lượng ổn định. Không thể cạnh tranh về giá rẻ với các loại thịt của Úc, Mỹ nên thịt EU sẽ tập trung khai thác thị trường cao cấp là các nhà hàng, khách sạn và đặc biệt là các nhà chế biến thực phẩm. Hiện nay, các nhà chế biến thịt Việt Nam chỉ bảo quản đông lạnh thịt từ 14 đến 21 ngày nên với công nghệ đông lạnh kéo dài 18 tháng sẽ là điểm kích thích họ mua thịt từ châu Âu” - ông Mariusz chia sẻ.
Vẫn còn cơ hội cho ngành chăn nuôi nội
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng sự đổ bộ của thịt ngoại đem lại ý nghĩa tốt lẫn xấu. Rào cản duy nhất của Việt Nam là thuế quan được dỡ bỏ, song thói quen của người tiêu dùng Việt là thích ăn thịt tươi sống sẽ hạn chế phần nào sự gia tăng của thịt ngoại nhập. Nhưng nếu quan niệm tiêu dùng thay đổi, ai cũng muốn tiết kiệm thời gian thì người ta sẽ chuyển dần sang ăn thịt đông lạnh. Khả năng khoảng năm năm nữa thì xu hướng này sẽ thay đổi, thịt ngoại sẽ nhập về Việt Nam càng nhiều.
“Thịt bò, trâu có Úc, Ấn Độ, thịt gà có Mỹ, tới đây thịt heo sẽ có EU. Áp lực từ cạnh tranh của thịt ngoại sẽ khiến ngành chăn nuôi Việt Nam phải có sự sàng lọc. Những DN chăn nuôi có năng lực về giống, quy mô trang trại, công nghiệp, chủ động được nguồn thức ăn…, giảm được giá thành sản xuất thì vẫn có thể tồn tại. Không có chuyện ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ chết mà theo tôi sẽ phát triển mạnh, công nghiệp và chuyên nghiệp hơn” - ông Vang nói.
Ngược lại, ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho rằng không chỉ DN chăn nuôi mà kéo theo là các nhà máy thức ăn cũng sẽ đóng cửa vì thịt ngoại còn rẻ hơn. Khi đó, thị trường chăn nuôi trong nước sẽ còn tồn tại một số DN chăn nuôi FDI lớn có chuỗi sản xuất đến tiêu thụ. DN chăn nuôi Việt Nam sẽ sống nếu làm được chuỗi này từ con giống, quy mô công nghiệp, thức ăn chăn nuôi, chế biến và thị trường tiêu thụ. Hoặc chỉ còn cách các DN phải liên kết với nhau.