Dân Việt

Giấy phép xuất khẩu gạo: Cuộc chạy đua có nguy cơ gây lãng phí

24/09/2012 10:04 GMT+7
(Dân Việt) - Theo Nghị định 109/2010, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo phải có kho chứa tối thiểu 5.000 tấn, dây chuyền xay xát lúa 10 tấn/giờ. Từ quy định đó, DN đã đổ xô xây kho với số tiền đầu tư hàng trăm tỷ đồng, gây lãng phí khi chính Bộ Công Thương đề nghị dừng việc này.

Thừa vì khống chế số lượng

Theo Bộ Công Thương, chỉ hơn 1 năm sau khi Nghị định 109 ra đời, số kho mà DN đầu tư xây thêm có công suất hơn 1,3 triệu tấn, nâng tổng số kho hiện có lên hơn 4 triệu tấn.

img
Nhiều doanh nghiệp mới đây đã đầu tư lớn xây kho chứa.

Trong khi đó, ngày 13.4.2012 Chính phủ lại yêu cầu Bộ Công Thương phải điều hành sao cho việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trong cả nước không quá 100 đầu mối. Thế nên Bộ Công Thương mới cuống quýt ngừng việc thẩm tra kho bãi xây mới của DN chế biến, xuất khẩu gạo và đưa ra thông báo khuyến cáo DN xem xét lại việc đầu tư kho bãi để tránh gây lãng phí.

Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) giải thích, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu chỉ khoảng 7 triệu tấn gạo nên nếu xây quá nhiều kho sẽ thừa công suất. Nhất là đối với các DN phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao để xây kho, việc đầu tư như vậy là không hiệu quả, dễ dẫn đến thua lỗ.

Theo các DN và chuyên gia, Nghị định 109 ra trước đó không có điều kiện nào ràng buộc số lượng DN xuất khẩu gạo. Tại sao sau 1 năm, khi DN bỏ tiền ra xây xong kho bãi rồi lại khống chế số lượng còn 100 và nói xây dư, lãng phí - trong khi mọi kho DN xây đều có báo cáo địa phương?

Bà Mai Thị Ánh Tuyết- Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho rằng việc quản lý xuất khẩu gạo cần có lộ trình, xem xét bao nhiêu đầu mối dựa trên cơ sở nguồn cung của địa phương và điều kiện xuất khẩu. Đủ tiêu chuẩn thì cấp phép và nếu DN đã được cấp phép mà hoạt động không hiệu quả sẽ thu hồi, chứ không nên khống chế ở con số 100.

Tránh trường hợp “chạy” giấy phép

Trước ý kiến của các DN và địa phương, Bộ Công Thương đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tạm thời không ấn định khống chế 100 đầu mối kinh doanh xuất khẩu gạo và bổ sung thành tích xuất khẩu 500 tấn gạo/tháng đối với thương nhân được cấp giấy chứng nhận 1 năm đến 30.9.2012 hoặc 6.000 tấn gạo/năm đối với thương nhân được cấp giấy chứng nhận 5 năm. Thương nhân mới được cấp giấy chứng nhận sẽ được xem xét, đánh giá chỉ tiêu này sau 1 năm.

“Nhiều doanh nghiệp có giấy phép 5 năm nhưng kho bãi còn rất xập xệ hay một số DN cho tới nay vẫn chưa có được một hợp đồng xuất khẩu gạo nào”.

Theo Bộ Công Thương, cho đến ngày 19.9.2012 đã có 99 DN được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu gạo trong vòng 5 năm. Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, hiệp hội cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương cho lùi thời hạn cuối cấp phép xuất khẩu gạo từ ngày 30.9.2012 đến hết năm nay. Bởi các ban ngành cùng VFA đang trong quá trình đi kiểm tra, đánh giá lại các DN đã được cấp giấy phép xuất khẩu gạo và phát hiện có nhiều vấn đề.

“Nhiều DN có giấy phép 5 năm nhưng kho bãi còn rất xập xệ hay một số DN cho tới nay vẫn chưa có được một hợp đồng xuất khẩu gạo nào. Số DN này cũng gần 20. Và chúng tôi đang rất cảnh giác với những trường hợp DN Trung Quốc vào núp bóng đằng sau các DN này để lũng đoạn thị trường. Những trường hợp không đáp ứng các điều kiện nêu trên nhiều khả năng sẽ bị rút giấy phép để bổ sung những DN mới có năng lực hơn” – ông Phong thông tin.