Nhà báo Catherine Turner thuộc kênh truyền hình Al Jazeera nằm trong những đứa trẻ đó. Trong tập phim tài liệu mang tên "Rất gần mà rất xa" (So Close, So Far Away) của Al Jazeera, Turner đã kể về cuộc sống của một đứa trẻ châu Á, lớn lên trong một gia đình da trắng người Úc và hành trình tìm lại mẹ ruột.
Cath sinh năm 1974 tại Việt Nam, cô được đặt tên Huỳnh Thị Cẩm Tú. Sau khi sang Úc trong chiến dịch không vận khi mới 5 tháng tuổi, cô được cha mẹ nuôi đặt tên mới là Catherine Turner (Cath Turner).
Thuở nhỏ, dù được gia đình cha mẹ nuôi yêu thương, Cath vẫn thấy lạc lõng giữa các bạn da trắng. “Chúa ơi, mình muốn đánh đổi tất cả để thành người Da Trắng, Da Trắng, Da Trắng", Cath ghi trong cuốn nhật ký hồi nhỏ.
“Tôi luôn biết rằng mình có một khởi đầu khác với các bạn đồng trang lứa, bởi tôi không nhớ gì về những năm đầu đời”, nhà báo Cath tâm sự.
Cô chia sẻ rằng: “Tôi không nhớ bất cứ điều gì về Việt Nam, luôn cảm thấy mình bị tách rời khỏi khoảng thời gian ở Việt Nam. Tôi nói về Việt Nam đó như thể nó là một phần ký ức của anh chị hay một ai đó mà tôi quen”.
“Khi tôi đề xuất với Al Jazeera làm một bộ phim tài liệu về cuộc đời mình trên cương vị một đứa trẻ trong chiến dịch không vận, tôi chỉ nghĩ nó sẽ được xây dựng trên con mắt của một phóng viên.
Tôi muốn tập trung làm rõ các tác động ngắn hạn và dài hạn của chiến dịch “không vận trẻ em” đến những em bé bị đưa khỏi quê hương từ khi còn nhỏ và được cho đi làm con nuôi.
Tôi muốn nói đến nhân dạng, nguồn gốc, màu da hay chủ nghĩa đa văn hóa theo hình thức một câu chuyện mà tất cả mọi người trên thế giới đều sẽ đồng cảm”, Cath cho hay.
Nhà báo thường trú tại New York của kênh Al Jazeera thú nhận: “Nhưng phải đến gần ngày bắt đầu quay tôi mới nhận ra sự riêng tư của bộ phim.
Tôi hoàn toàn thoải mái khi đứng trước ống kính máy quay nói về nước Mỹ, về sàn giao dịch chứng khoán New York hay các tin tức mới nhất của nền kinh tế tài chính hàng đầu thế giới này. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi biết tất cả về gia đình tôi hay nơi tôi lớn lên”.
“Bộ phim tài liệu này sẽ thay đổi tất cả. Tôi sẽ để cuộc đời của mình trần trụi trước ống kính, kể lại toàn bộ những khoảnh khắc khó khăn nhất trong cuộc đời mình”, Cath nói về bộ phim tài liệu mà cô ấp ủ.
Hành trình tìm lại mẹ ruột sau gần 30 năm
Trong bộ phim tài liệu, Cath cho hay cô đã đi nhiều chuyến giữa ba nước Mỹ, Úc, Việt Nam, gặp những người tham gia chiến dịch không vận trẻ em, như giám đốc trại trẻ mồ côi nơi cô ở tại Sài Gòn, hay lãnh đạo phân tích tình báo thuộc Cục Tình báo Trung ương Mỹ, làm việc tại Đại sứ quán ở Sài Gòn.
Ngày 1/5/1975, sau khi đất nước thống nhất, mẹ Cath quay lại trại trẻ tìm con gái nhưng cô nhi viện xưa kia nay đã trở thành đống hoang tàn, đổ nát. Bà suy sụp vì tưởng Cath đã chết, không hề hay biết cô đã rời Việt Nam tới Úc trong chiến dịch không vận trẻ em.
Cath kể về những thay đổi trong cuộc sống của cô kể từ khi tìm được mẹ: “Tôi đã gặp phải một số khó khăn. Lớn lên ở Úc và có mối liên hệ chặt chẽ với đất nước này, nhưng giờ tôi có một gia đình ở Việt Nam muốn giữ liên lạc với tôi và yêu tôi rất nhiều. Họ muốn tôi về tại Thành phố Hồ Chí Minh và sống với họ”.
“Tôi luôn cố gắng để không ai trong gia đình cảm thấy bị xem nhẹ, hay bị tôi bỏ rơi. Và tôi biết mình hết sức may mắn khi cả hai gia đình đều tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau”, nữ nhà báo tâm sự.
Tiếng vọng của chiến dịch “không vận trẻ em”
Nhà báo Cath Turner cho hay, cô đã được tiếp xúc và nói chuyện với nhiều người trong quá trình làm bộ phim tài liệu. "Càng nói chuyện với nhiều người, chúng tôi nhận ra chiến dịch không vận trẻ em thực sự có những ảnh hưởng nặng nề và sâu rộng", Cath Turner cho biết.