Trăm hoa đua nở
Đâu là võ của người Việt? Câu hỏi này chắc sẽ không có câu trả lời. Lịch sử bị ngoại xâm và chống ngoại xâm diễn ra liên miên khiến cho Việt Nam trở thành nước có nền võ thuật đa dạng nhất.
Chính vì thế, ngày 21.8.2001, tại TTTM Sông Hồng, Hội Võ thuật Việt Nam tại Nga được thành lập đã có tới 10 môn phái tham gia: Vĩnh Xuân, Hồng Gia, Bình Định, Lâm Sơn Động, Bảo Long y võ, Thanh Long võ đạo, Thiếu Lâm nội gia, Karatedo, Teawkondo và môn phái tổng hợp.
Màn biểu diễn cho xe chẹt qua người của võ sinh phái Hồng Gia. |
Ngay sau khi thành lập, Hội Võ thuật Việt Nam tại Nga đã có buổi biểu diễn đầu tiên tại hội trường Đại sứ quán để chào mừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Khán giả háo hức xem những bài quyền đẹp mắt của Vĩnh Xuân quyền. Những đường côn vun vút trong tiếng trống trận oai hùng của phái Bình Định làm sống lại cả một hào khí Tây Sơn trên đất lạ. Những màn biểu diễn công phu như đóng đinh vào lưng, đập gậy vào ống chân của phái Hồng Gia, màn bắt dao, cướp súng của môn phải tổng hợp… đã gây sự chú ý đặc biệt.
Chỉ một thời gian ngắn sau, hàng trăm võ sư và những người yêu võ Việt đã quy tụ về Hội. Lúc đó Tham tán – Trưởng phòng Lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Nga Nguyễn Thanh Sơn (nay là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) – một người yêu võ thuật cũng gia nhập Hội với cương vị… cố vấn.
Phong trào “người người luyện võ, nhà nhà luyện võ” phát triển mạnh khắp cộng đồng người Việt tại Nga. Và rồi dù không mong chờ nhưng điều gì đến cũng phải đến. Các võ sinh đã có cuộc chạm trán với bọn đầu trọc.
Từ khi có phong trào luyện tập võ nghệ đã có nhiều cuộc chạm trán lẻ tẻ, người Việt ta với sĩ khí vừa được củng cố đã dám đánh trả những tên đầu trọc tới quấy rối. Tháng 4.2004, gần 50 tên đầu trọc tụ tập định tấn công để dằn mặt bà con ở chợ bán quần áo của người Việt nhằm giành quyền “bảo kê”.
Những tên đầu trọc dữ tợn cầm dao, búa đi vào chợ gây rối như chỗ không người, không bao giờ chúng nghĩ những người Việt bé nhỏ dám chống lại lực lượng hùng hậu của chúng. Tuy nhiên, những tổ tự quản bao gồm môn sinh của 10 môn võ đã đồng loạt ra tay. Những cây treo quần áo được “thửa” cẩn thận thành thứ vũ khí đắc dụng. Cuộc tấn công bị đẩy lui và chính thức từ đây, ngoài số thuế kinh doanh đóng cho Sở Thuế Mátxcơva, cộng đồng người Việt không phải đóng góp thêm bất cứ khoản “thuế đen” nào nữa.
Cuộc “mãi võ” vĩ đại
Trước sự kiện này, Hội Võ thuật Việt Nam tại Nga đã có bước phát triển mới: Không chỉ dạy võ cho người Việt với mục đích tự vệ mà còn quảng bá tinh hoa võ thuật Việt Nam đến với những người Nga… Những cuộc mãi võ liên tục diễn ra ở khắp Mátxcơva.
Đã có nhiều người hoảng hồn trước cảnh tượng: Chiếc xe 7 chỗ mang biển số P 740 XP của Nga lao nhanh trên quảng trường bỗng khựng lại trước một người Việt Nam nằm thõng thượt giữa đường. Sau một chút đắn đo, chiếc xe từ từ lao đến nghiến lên người Việt Nam tội nghiệp đó.
Đám đông cả người Nga và người Việt không những không lao vào giúp đỡ mà lại vỗ tay reo hò inh ỏi. Chiếc xe vụt qua, “nạn nhân” từ từ đứng dậy, không lòi ruột, cũng chẳng phòi óc mà lại cười tươi hớn hở chào đám đông xung quanh. Đó là màn biểu diễn của môn phái Hồng Gia thuộc Hội Võ thuật Việt Nam tại Nga chứ không phải là vụ tai nạn ghê gớm nào cả…
Hưởng ứng đợt phát động quỹ ủng hộ người nghèo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 1.9.2003 đã có một cuộc mãi võ lớn chưa từng thấy để bán vé lấy tiền ủng hộ quỹ. Số võ sinh tham gia biểu diễn lên tới 200 người. Hàng ngàn khán giả Nga tròn mắt xem các màn biểu diễn: Dùng mi mắt nâng hai xô nước, hít bát vào bụng treo lên cần cẩu của võ sư Lương Ngọc Huỳnh, dùng tay chém đứt cổ chai mà chai không đổ… Màn biểu diễn côn trận hoành tráng của phái Bình Định kết thúc cuộc mãi võ trong tiếng reo hò của những người dân Nga.
Sau những cuộc mãi võ này, võ thuật Việt Nam đã thực sự ảnh hưởng sâu rộng vào đời sống của người dân thủ đô nước Nga, mở ra một chương mới cho võ thuật Việt Nam khi chinh phục xứ Bạch Dương.
Kỳ 4: Dạy võ và chữa bệnh cho người Nga
Tại Nga, võ sư - bác sĩ - viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh đã kết hợp nhuần nhuyễn võ thuật và y học để chữa bệnh cho hơn 20.000 bệnh nhân, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia.
Nam Hải – Đăng Thúy