Dân Việt

Viên gạch nền móng để nông dân làm giàu

Quốc Hải 20/04/2015 20:00 GMT+7
Nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn từ Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) đã thực sự đi vào cuộc sống, giúp cho nhiều hộ nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu long có nguồn lực để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

 Xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ưu tiên số một trong đầu tư tín dụng, Agribank các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tập trung đẩy mạnh đáp ứng kịp thời nguồn vốn giúp người nông dân chủ động hơn trong đầu tư phát triển sản xuất. Đồng vốn của Agribank đầu tư đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần làm giàu cho vùng đất nông nghiệp trọng điểm của cả nước này.

img

 

 Cho cá tra ăn tại trang trại 5.000 tấn cá/năm của ông Nguyễn Văn Đời (huyện Cai Lậy, Tiền Giang)

Nông dân thành tỉ phú từ đồng vốn Agribank

Tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, gia đình anh Dư Thành Muôn là một điển hình “nông dân tỷ phú” nhờ đồng vốn vay phát triển nông nghiệp từ Agribank. Năm 2008, anh Muôn được vay 50 triệu đồng từ chi nhánh Agribank huyện Chợ Gạo để khởi đầu với khoảng chục heo nái. Với kinh nghiệm sẵn có, sau một năm anh đã trả nợ đủ và phát triển đàn lợn lên đến 70 - 80 con. Hiện nay, đàn lợn của gia đình anh Muôn lên tới hơn 1.000 con heo thịt, gần 200 heo nái, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

img

 
Trang trại 1.000 heo thịt, 200 heo nái của ông Dư Thành Muôn (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang)

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đời (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cũng được Agribank duyệt cho vay lên tới 8 tỷ đồng và đang trở thành “tỷ phú cá tra” nổi tiếng của Tiền Giang với tổng số vốn lưu động hàng năm trên 100 tỷ đồng. Hay trường hợp ông Võ Ngọc Sáng (xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, Bến Tre), từ nguồn vốn cho vay 1 tỷ đồng, bằng cách kinh doanh cây cảnh hiệu quả, vốn liếng gia đình ông hiện tăng lên hàng chục tỷ đồng. Ông Sáng kể: “Nhờ được Agribank cho vay kịp thời, tôi bắt được cơ hội kinh doanh cây cảnh. Hiện tại vườn cảnh của tôi chỉ tính riêng đã ra chậu, ra dáng có giá hơn 10 tỷ đồng; ngoài ra trong phần diện tích hơn 1,5 ha canh tác của gia đình còn tới 1.000 gốc tùng có giá vài chục triệu đến hơn 300 triệu/gốc”.

Từ thành quả của những khách hàng nông dân, ông Trần Trọng Hùng, Giám đốc Agribank Tiền Giang, nói về cách làm nơi đây: Xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ưu tiên số một trong đầu tư tín dụng, Agribank Tiền Giang đã chỉ đạo các chi nhánh Agribank huyện phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các tổ chức đoàn thể, thành lập các tổ để vay vốn ngân hàng, nhằm chuyển tải nguồn vốn tín dụng đến với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.

Cũng với cách làm tương tự, theo ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc Agribank chi nhánh Bến Tre, nếu như trước đây người nông dân rất khó tiếp cận được với nguồn vốn vay ngân hàng thì nay việc việc này khá đơn giản. Nhờ vậy đã tạo cho khách hàng niềm tin, sự hài lòng khi giao dịch và lựa chọn sử dụng dịch vụ. Cụ thể, năm 2014, tổng dư nợ đạt trên 7.004 tỷ đồng; trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt trên 6.380 tỷ đồng. Nông dân vay nhiều nhưng làm ăn hiệu quả, nên nợ xấu rất thấp, chỉ 0,81% tổng dư nợ.

Bệ đỡ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Agribank còn hướng nguồn vốn để người nông dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi sao cho đạt hiệu quả với kinh tế vùng. Ông Trần Văn Nhịn, Phó Chủ tịch xã Tân Phong (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), cho biết: Thời gian gần đây, giống nhãn trên địa bàn xuất hiện bệnh chổi rồng khiến nông dân “sấc bấc sang bang”. Chính vì vậy, nguồn vốn Agribank đầu tư vào xã 30 tỷ được ưu tiên đầu tư cho cải tạo vườn, đã góp phần giúp cho nông dân chuyển từ giống nhãn Quế sang nhãn Ido, từ đó cải thiện đáng kể nguồn thu nhập cho người nông dân.

img

 
 Ông Võ Ngọc Sáng - chủ vườn cây kiểng giá trị hàng chục tỷ ở huyện Chợ Lách, Bến Tre

Cũng góp phần giúp thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là địa bàn huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre). Ông Hồng Văn Công, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Nhơn, kể rằng, trước đây, người nông dân chủ yếu làm lúa nhưng do diện tích canh tác ít khiến đời sống người dân khá bấp bênh. Nhờ đồng vốn hỗ trợ vay phát triển nông nghiệp, nông thôn từ Agribank, người dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi bò. Hiện tại, có đến 1.500 hộ/1.800 hộ nuôi bò trên địa bàn xã với số lượng đầu bò tới 5.000 con; cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/hộ/năm.

Ông Nguyễn Văn Lo, Giám đốc chi nhánh Agribank Ba Tri, tự tin khẳng định: “Đàn bò trên địa bàn huyện hiện tại khoảng 80.700 con, mục tiêu phát triển năm 2015 là 83.000 con. Đây được xem là hướng đầu tư chính cho phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện. Ngoài phát triển đàn bò, Agribank Ba Tri cũng đang ưu tiên phát triển diện tích nuôi thủy sản và đóng tàu, cải hoán tàu với khoản vốn đều tư hơn 900 tỷ (thị phần khoảng 65%).


Tại khu vực ĐBSCL, hiện có 47 tổ chức tín dụng đang hoạt động. Trong đó, Agribank là ngân hàng thương mại có mạng lưới rộng nhất (chiếm khoảng 25%) với 15 chi nhánh loại I, loại II; 144 chi nhánh loại III; 148 phòng giao dịch; 5.120 cán bộ nhân viên, bình quân, cứ 5 xã có 01 phòng giao dịch.

Giai đoạn 2010-2014, dư nợ của Agribank tại ĐBSCL tăng trưởng khá ổn định, bình quân đạt 12%/năm, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm trên 91%, mức tăng bình quân lớn nhất giữa các vùng trong cả nước. Tính đến 31/12/2014, tổng dư nợ cho vay tại ĐBSCL đạt 90.930 tỷ đồng, chiếm thị phần khoảng 30% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng thương mại trên địa bàn.