Dân Việt

Cần giải tỏa tốt những dồn nén ngay từ cơ sở

Hải Phong - Lương Kết 22/04/2015 08:13 GMT+7
Thời gian qua, tại một số địa phương như Bình Thuận, Khánh Hòa, Long An, TP.Hồ Chí Minh... xảy ra nhiều vụ người dân tụ tập đông người để bày tỏ thái độ trước một vấn đề bức xúc cụ thể. Tình trạng này đặt ra một vấn đề: Làm sao để sớm giải tỏa những bức xúc của người dân, tránh tái diễn tình trạng trên làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự xã hội?

Một cách gây sức ép

Có thể kể tới vụ hơn 9 vạn công nhân của Công ty TNHH Poyuen Việt Nam (Bình Tân, TP.HCM) tụ tập gây ách tắc Quốc lộ 1A trong nhiều ngày để bày tỏ sự không đồng tình với Điều 60 trong Luật Bảo hiểm xã hội (có hiệu lực từ năm 2016); vụ hàng nghìn người dân ở hai xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận) kéo đến Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 để phản đối nhà máy xả xỉ than gây ô nhiễm môi trường suốt một thời gian dài, gây hại sức khỏe người dân. Và gần đây nhất là vụ hàng trăm người dân ở Cam Ranh (Khánh Hòa) tập trung trước UBND phường Cam Phúc Bắc (dọc QL 1A) để phản đối việc nạo vét bùn gây ô nhiễm nước, làm chết thủy sản của người dân… Và chưa thể biết trước tới đây còn vụ việc nào nữa?

img
Người dân phường Cam Phúc Bắc (TP.Cam Ranh, Khánh Hòa) đổ cá, tôm bị chết ra Quốc lộ 1 để phản đối tình trạng xáng cạp gây ô nhiễm môi trường. (Mai Khuê)

Tất cả các vụ việc này, thiệt hại rõ nhất là gây ách tắc Quốc lộ 1A, con đường huyết mạch của đất nước trong nhiều ngày. Việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề. An ninh trật tự mất ổn định, thậm chí trong vụ việc tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, đã có diễn biến theo chiều hướng xấu khi một số người dân có biểu hiện quá khích, dùng gạch đá chống lại lực lượng chức năng.

Hiện nay, theo quy định của luật pháp, các hành vi tụ tập đông người, cản trở hoạt động xã hội là trái pháp luật. Và người dân không phải không biết điều đó. Tuy nhiên, gốc rễ vấn đề nằm ở chỗ, trước đó, những bức xúc của người dân lại không được chính quyền địa phương giải quyết thỏa đáng, kịp thời. Những bức xúc đó cứ dần tích tụ, dồn nén lại để rồi đến một ngày bộc phát thành những hành vi trái pháp luật.

Như trong cả hai vụ việc tụ tập đông người tại Cam Ranh và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, người dân đã nhiều lần phản ánh thực trạng ô nhiễm lên chính quyền địa phương, nhưng đều không nhận được sự hồi đáp thỏa đáng. Chỉ đến khi người dân bày tỏ thái độ một cách quyết liệt, chính quyền mới vào cuộc giải quyết một cách triệt để (?).

Như vậy, chính sự thờ ơ, giải quyết chậm trễ của chính quyền trước các bức xúc dân sinh đã khiến cho người dân không còn tin vào khả năng vận hành của bộ máy cơ sở, phải có những động thái mạnh mẽ hơn để gây sự chú ý, tạo áp lực lên cấp cao hơn!

Người dân tỉnh táo, chính quyền rốt ráo

Ông Trần Văn Tạo - nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM bình luận: Hành vi kéo ra đường chặn xe của người dân ở xã Vĩnh Tân (Bình Thuận) gây ách tắc vài chục km trên QL1, hay việc người dân TP.Cam Ranh, Khánh Hòa đổ tôm, cá ra đường chặn xe, nhìn từ khía cạnh pháp luật đều là vi phạm. Dù cho bắt nguồn từ việc người dân quá bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường, cũng không thể lấy đó làm cái cớ để biện minh cho hành vi trái pháp luật được. Người dân cần phải tỉnh táo hơn nữa.

“Có rất nhiều cách để bày tỏ thái độ của mình, không nhất thiết phải tụ tập đông người, chặn đường gây ách tắc giao thông, làm mất trật tự xã hội” - ông Tạo khẳng định.

Theo ông Tạo, qua những vụ việc trên, cái gốc của vấn đề nằm ở trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Nếu họ giải quyết bức xúc của người dân rốt ráo hơn, kịp thời hơn như việc của chính nhà mình thì đã không xảy ra những vụ việc như vậy. "Trước hết chính quyền cần phải làm tốt việc giải quyết khiếu nại của người dân. Cực chẳng đã người dân mới phải tìm đến chính quyền để khiếu nại. Người ta còn tìm đến anh là còn tin anh. Khi đó cán bộ phải đến tận nơi giải quyết tích cực, đừng nghe xong bỏ đấy hay hứa hão. Chính quyền, cơ quan nhà nước có công cụ, có luật pháp thì phải nắm chắc để khi nảy sinh vấn đề gì thì giải quyết cho êm, cho gọn. Chứ cứ để việc bung ra rồi đi dọn thì mệt lắm" - ông Tạo nêu quan điểm.

Dưới một góc nhìn của người nhiều năm làm luật, TS Vũ Đức Khiển - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, một lý do khác của tình trạng này là do Việt Nam vẫn chưa có Luật Biểu tình. Nếu có luật thì người dân hoàn toàn có cơ hội, điều kiện để bày tỏ thái độ của mình trong một phạm vi, quy mô nhất định, đủ để tạo nên sức ép lên cơ quan chức năng. Trong khi đó, chính quyền vẫn có thể kiểm soát được hoạt động của người dân.

Theo TS Khiển, để có thể sớm ngăn chặn những vụ phản ứng tập thể của người dân thì phải giải quyết tốt từ khâu khiếu nại. Nếu cơ quan nhà nước không giải quyết khiếu nại thỏa đáng cho dân, họ sẽ dấn tới bằng cách khác, hành vi đó có khi lại vi phạm pháp luật. Và nếu dân bị bắt giam, xử tù thì lại càng làm bức xúc thêm dồn nén. “Nếu người dân khiếu nại đúng thì phải giải quyết dứt điểm. Còn khiếu nại không đúng thì cũng phải giải thích rõ cho dân hiểu” - ông Khiển nói.

Điều 6 của Luật khiếu nại quy định các hành vi bị nghiêm cấm

1. Cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại; đe doạ, trả thù, trù dập người khiếu nại.
2. Thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại; không giải quyết khiếu nại; làm sai lệch các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc khiếu nại; cố ý giải quyết khiếu nại trái pháp luật.
3. Ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định.
4. Bao che cho người bị khiếu nại; can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết khiếu nại.
5. Cố tình khiếu nại sai sự thật. 
6. Kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh trật tự công cộng.
7. Lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác.
8. Vi phạm quy chế tiếp công dân.
9. Vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại.
Luật Sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội):Đừng để tạo thành tiền lệ xấu

Hệ thống pháp luật của nước ta hiện cũng khá đầy đủ để xử lý các vấn đề bức xúc dân sinh. Vấn đề là các cơ quan chức năng có thực hiện khi có bức xúc của người dân không hay lại để kéo dài. Vụ việc ở Vĩnh Tân và Cam Ranh, các cơ quan nhà nước đã vào cuộc tích cực sau khi người dân có phản ứng thái quá. Đây là điều đáng ghi nhận, nhưng để sự việc đến mức dân phải dùng hành vi sai phạm gây áp lực, cơ quan chức năng mới giải quyết là không nên. Việc này vô tình tạo thành tiền lệ để người dân ở địa phương khác làm theo khi vấn đề bức xúc của họ cũng không được chính quyền giải quyết.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Công ty Luật Đức An, Hà Nội):Cần sớm có Luật Biểu tình

Không ít trường hợp người dân tập trung đông người, phản đối việc làm tắc trách của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp vì quá khích đã bị truy tố về tội gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ… Điều 25 Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Luật Biểu tình cần sớm được xây dựng và thông qua. Khi có Luật Biểu tình, người dân sẽ được bày tỏ nguyện vọng của mình theo đúng quy định của pháp luật mà không ảnh hưởng đến trật tự xã hội. 

Chị Đỗ Thị Thơm (quận Gò Vấp, TP.HCM):Quy trách nhiệm từ chính quyền cơ sở


Người dân tập trung đông người, phản đối doanh nghiệp, chính quyền hay cơ quan chức năng là “giọt nước tràn ly” khi quyền lợi của họ bị xâm hại mà không được giải quyết thỏa đáng. Những sự việc này có nguyên nhân từ phía người đứng đầu của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tại địa phương. Có khi vì lợi ích nhóm hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm... mà bỏ qua quyền lợi của người dân. Lỗi thuộc về ai phải xử lý nghiêm, nếu doanh nghiệp gây thiệt hại phải bồi thường thỏa đáng cho dân.

Lương Kết  - Lê Chiên (ghi)