Chính sách, luật pháp còn thiếu ổn định
Góp ý cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, sau 20 năm gia nhập ASEAN Việt Nam vẫn đứng trong nhóm 4 nước cuối: Việt Nam - Lào - Campuchia - Myanmar.
Theo Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Du Lịch, Nhà nước chỉ nên làm 3 việc là ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định môi trường pháp lý tốt và xây dựng nền hành chính mang tính phục vụ. Ông Lịch cũng nhấn mạnh, Việt Nam mất gần 1/4 thế kỷ để xác lập tư duy về một vấn đề mang tính đương nhiên phải có trong cơ chế thị trường, đó là quyền tự do kinh doanh của công dân, được làm những gì mà pháp luật không cấm.
Cùng đưa ra giải pháp cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho biết: “Đã từ rất lâu, cộng đồng doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đều cho rằng các chính sách, luật pháp ở Việt Nam thiếu ổn định, thường hay thay đổi bất lợi cho doanh nghiệp; thiếu minh bạch và không tiên liệu trước được”.
Nhìn nhận một cách công bằng, DNNN là một tác nhân hay chủ thể thị trường; là tổ chức kinh doanh, phải được đối xử bình đẳng như các tác nhân khác của thị trường, TS Nguyễn Đình Cung đề nghị thành lập cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ chuyên trách và trực tiếp thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp, chuyên trách thực hiện vai trò nhà đầu tư, cổ đông hay thành viên trong các công ty có sở hữu nhà nước phù hợp với cơ cấu sở hữu của công ty tương tự như các cổ đông, thành viên khác.
Phải tổ chức lại mô hình sản xuất nông nghiệp
Sau các báo cáo tham luận tại Diễn đàn, với các tranh luận, giải đáp, đối thoại, các ý kiến rất đa chiều. Ông Nguyễn Văn Giàu đánh giá, kết quả đạt được rất quan trọng. Kết luận ý kiến của các đại biểu tại Diễn đàn của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng: Cần kiên trì nguyên tắc thị trường, nỗ lực tiếp cận nhiều chuẩn mực của thông lệ quốc tế.
Ông Giàu cũng khẳng định, phải đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là khu vực DNNN cần có luật cổ phần hóa, chí ít là có nghị quyết của Quốc hội về cổ phần hóa. Tiếp thu tinh thần này, ông Giàu cho biết, sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.
Đồng thời, một vấn đề quan trọng là phòng chống tham nhũng để cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Theo công bố điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của VCCI đối với khối FDI, các chi phí hối lộ cũng tăng lên kể từ năm 2013. Năm 2013, khoảng 32% doanh nghiệp cho biết tổng số tiền “bôi trơn” lên tới hơn 1% thu nhập mỗi năm. Năm 2014 số doanh nghiệp phải bôi trơn lên tới 38%.
Nhiều ý kiến lo ngại ngành nông nghiệp, đặc biệt tổ chức lại mô hình sản xuất để hấp thụ được tiến bộ KHCN, tăng sức cạnh tranh cho ngành một cách dài hơi. Đây là vấn đề rất quan trọng.
Về hội nhập, nhiều chuyên gia đã chứng minh Việt Nam đã hội nhập và đạt nhiều chỉ số hội nhập quan trọng, thậm chí cao hơn một số quốc gia khác. Nhưng thực tế sức khỏe của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, chưa đủ sức hội nhập một cách tự chủ và hiệu quả.
Theo ông Giàu, để tăng sức cạnh tranh, cần chủ động năng cao năng lực doanh nghiệp, không thể đổ lỗi cho cơ quan quản lý nhà nước.
Về doanh nghiệp FDI, ông Giàu đề nghị tiếp thu các ý kiến tại Diễn đàn, cần lan tỏa rộng hơn các yếu tố tích cực của doanh nghiệp đối với nền kinh tế.