Thời thơ ấu của chúng tôi là thế đó! Ở miệt vườn trẻ con chỉ loay hoay với trò chơi đánh đáo, bắn cu li, thả diều, bắt dế, bắn chim hoặc hớt cá lia thia… Hình như trẻ con nào cũng thích cá thia thia, có lẽ vì hình dáng nó đẹp kỳ lạ, màu sắc rực rỡ, có con màu xanh đậm, có con đen mun, nhất là lúc đá bóng thì lại phùng mang, giương vây, múa kỳ, quạt đuôi trông thật lạ lẫm.
Cá lia thia Xiêm - Loại cá chọi cảnh bày bán nhiều thời nay. (ảnh chỉ có tính minh hoạ)
Muốn hớt (vớt, xúc) cá lia thia trước hết phải chuẩn bị một cái rổ, thường là rổ miệng to, lòng sâu để dễ hứng cá. Chúng tôi chọn những ao mương, vũng lầy có mực nước xăm xắp hoặc sâu tới gối để xúc bằng cách thọc sâu rổ xuống nước, đưa đẩy rồi hớt lên một cách nhanh gọn. Ở chỗ nước cạn, nhiều năn, lát và rau bèo anh em phải dùng chân giậm xì xụp trên cỏ để lùa cá về phía rổ. Mỗi lần dỡ rổ lên nghe tiếng nhảy lách chách lòng mừng phấn khởi như được vàng, mỗi con được đựng kỹ lưỡng trong một bọc bằng lá môn. Nếu không may nhằm cá mái hoặc cá bã trầu, mọi người sẽ mất hứng. Cụ Vương Hồng Sển, một người sành điệu về thú chơi lia thia đã có câu:
"Ao sâu cá lội khoe màu/ Đố ai biết mỗ: bã trầu thia thia?"
Đối với người chơi chuyên nghiệp, ít khi nào họ xúc cá ở ao, đầm mà thường săn tìm những bọt cá đóng trên các thửa ruộng vừa cày xong, nhất là ở các miệng hang, các dấu chân trâu. Mỗi giề bọt to bằng miệng ly, thường có con trống ẩn mình phía dưới, chỉ cần tay không hoặc một chiếc vợt cũng có thể chận bắt dễ dàng.
Nhiều người nói cá đóng bọt ở miệng hang mới là cá chiến. Bọn tôi cũng nghĩ thế nên mỗi lần gặp bọt cá là xắn tay áo, thọc tay vào miệng hang túm cho được mới chịu thôi.
Cá lia thia mái (ảnh chỉ có tính minh hoạ).
Hồi nhỏ, các bạn trẻ chơi cá là vì ham thích, nếu có đá cũng là đá ăn chơi cho vui. Vậy mà đứa nào cũng muốn làm chủ những con thật hay để trầm trồ và khoe với bạn bè. Cá hay là những con cực kỳ hiếu chiến, hễ gặp nhau là "đấu đá", con nào cũng giương oai diệu võ. Nghĩ cũng lạ! Sở trường của chúng là phùng xòe, giương vảy và khoe tài cùng địch thủ. Còn khi thất trận thì lại xếp đuôi, xếp giáp chạy dài, từ vẫy xanh ửng hồng, đuôi đỏ chớp chốc lát trở thành tái mét, nhợt nhạt trông thật thê thảm.
Đồng bằng Nam bộ trước kia có rất nhiều thia thia ta, nhưng có nơi cá dở, có nơi nổi danh như cá Miệt Thứ (Kiên Giang). Cụ Vương hồng Sển cho rằng "lia thia là chiến sĩ bưng biền". Do đó muốn nuôi cá đá không nên nuôi lâu mà phải thường xuyên thay đổi con mới, vì nuôi trong chậu lâu ngày cá sẽ mất hết khả năng chiến đấu.
Người chơi cá thia thia càng chơi càng mê, dù có bao nhiêu cũng lặn lội đi tìm những con kỳ vi lộng lẫy đem về tưng tiu, mê nhất là cá “kỳ son”, một loại cá mỗi lần giao chiến nó tấn công vừa dũng mãnh vừa gan lì. Nhiều người ái mộ thia thia, họ xem một cặp cá "thư hùng" cũng giống như một trận thí võ đài, địch thủ luôn tấn công bằng nước "nạp" làm cho đối phương tróc vảy, trầy vi và rách đuôi bỏ chạy.
Trong những năm gần đây do môi trường khắc nghiệt, cộng thêm với các loại hóa chất diệt cỏ, thuốc trừ sâu... ô nhiễm ruộng đồng đã khiến cho các loài cá bé nhỏ - những "chiến sĩ bưng biền" không còn nhiều như xưa nữa. Tội cho loài cá lia thia hoang dã đã sắp đến ngày cạn kiệt và thú hớt cá thia thia cũng đã đi vào ký ức.
Nếu có chăng cũng là thia thia nuôi cho sinh sản, hoặc các loại cá cảnh, cá chọi bày bán. Xin cám ơn những người mê cá đã có công thuần hóa giúp cho dòng họ lia thia ta thoát khỏi vòng diệt chủng.