Khỏe mạnh vẫn “cúng ma sống”
Ở thôn Bãi Lời, xã Tam Dị, người dân tộc Nùng chiếm đa số dân cư, sinh sống hòa thuận với nhau. Ở đây, người ta vẫn duy trì một phong tục truyền thống từ thời xa xưa để lại là cúng “ma sống” rất độc đáo và kỳ lạ, mang ý nghĩa tâm linh thiêng liêng theo quan niệm của họ. Và tục này cho đến giờ vẫn được giữ gần như nguyên bản.
Chia sẻ về tục cúng ma sống của người Nùng, thầy cúng Vi Thị Thân (54 tuổi) ở thôn Bãi Lời cho hay: Người Nùng có phong tục cúng người sống, hay còn gọi là “cúng ma sống” hoặc “cúng sinh nhật” từ ngàn xưa truyền lại. Khi ông bà, cha mẹ lớn tuổi, con cái tổ chức cúng bái rất linh đình, phần vì tin những người đã chết không bao giờ có thể ăn được những thức ăn con cái cúng, phần vì nghĩ việc thưởng thức đồ cúng như gà, lợn, trâu bò đối với người đã khuất không còn cần thiết.
Cũng theo bà Thân thì khi người lớn tuổi như ông bà, bố mẹ bước sang tuổi 61, con cháu sẽ có trách nhiệm tự nhớ ngày sinh nhật của bố mẹ để tổ chức. Con gái, dù đã đi lấy chồng, là người lo tài chính. Nhà có nhiều con gái sẽ chia nhau làm từng năm. Trường hợp không có con gái hoặc ít con thì mới đến lượt con trai đứng ra thay thế.
Ngày cúng lễ mọi người có trách nhiệm góp công, góp sức, lo liệu mâm cỗ, đồ ăn, thức uống như gà, lợn, trâu, bò. Lễ càng tổ chức to, linh đình thì thể hiện phúc càng lớn, niềm vui càng nhiều. Vì vậy nên mỗi đợt tổ chức sinh nhật cho người sống, gia đình con cháu sẽ tổ chức thật lớn, cho ông bà, bố mẹ vui lòng.
Nguy cơ mai một
Điều đặc biệt ở đây là những dịp như vậy, con cháu không ai phải mời mà tự những người đó nhớ. Những người được “cúng ma sống” sẽ được tổ chức 3 lần trong đời, có thể là 3 năm liên tiếp, hoặc kế tiếp nhau tùy vào điều kiện kinh tế của các con. Những người chỉ được cúng ma sống 1 đến 2 lần trong đời đã quy tiên, thì bị coi là phận bạc, gia đình không hạnh phúc, vui vẻ. Thế nên con cái luôn cố gắng thay phiên nhau tổ chức cúng cho cha mẹ được “mát mày mát mặt” với hàng xóm láng giềng. Vì thế người nào càng được “cúng sống” nhiều thì càng được coi là có phúc.
Tuy nhiên, tục cúng ma sống ở người Nùng hiện nay không còn được phổ biến, chỉ còn rất ít gia đình trong thôn, khi cha mẹ già, vẫn cố gắng giữ những phong tục, tập quán cúng ma sống để cha mẹ vui lòng. Việc tổ chức cúng ma sống cũng không cầu kỳ và tốn kém như ngày xưa nữa.
Ông Trương Văn Tân – Trưởng thôn Bãi Lời ngầm ngùi có chút tiếc nuối cho biết: “Phong tục cúng ma sống hiện nay không còn phổ biến, song nhiều gia đình người Nùng vẫn cố gắng lưu giữ những phong tục cổ truyền, đậm bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc mình.