Thuyền độc mộc và dòng sông Đăk La đã gắn bó với cuộc sống của bà con nơi đây qua nhiều năm tháng, các thế hệ nối tiếp, đi vào thơ ca và trở thành hình ảnh thân thương, gắn bó, gần gũi như miếng cơm, manh áo hằng ngày.
Những người già sống gần trọn cuộc đời bên dòng sông Đăk La, thành phố Kon Tum cho biết, thuyền độc mộc có từ xa xưa, lúc mà họ còn nhỏ đã thấy những con thuyền đi lại tấp nập trên sông. Lúc trước có nhiều bến thuyền, cứ một làng có vài ba bến, bà con chủ yếu là dùng thuyền sang bên kia sông để đi làm nương rẫy, đi rừng và đánh cá.
Già A Bát – trưởng thôn Kon Rờ Bàng 1, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum tâm sự, gia đình tôi bao thế hệ trước đó đều dùng thuyền, lúc 11 tuổi đã theo cha và những người trong thôn đi vào rừng ở xã Ngọc Bay, Đăk La hay Ya Chim, thành phố Kon Tum để tìm gỗ làm thuyền. Trong thôn gia đình nào cũng có thuyền, nhà giàu thì 2 hay 3 cái, nhà nghèo hơn thì cũng có 1 cái, dùng làm phương tiện đi lại trên sông, để đánh cá và sang bên kia sông làm nương rẫy.
Muốn làm thuyền độc mộc, khâu đầu tiên phải biết chọn những loại cây gỗ chịu nước như gỗ sao cát, sao tía, hương, cây măng lăng, cây cọ. Sau khi tìm được thì chặt hạ cây xuống, chúng tôi lấy cuốc chim thật sắc bén để khoét lòng thuyền, bào nhẵn cả 2 mặt bên trong và ngoài thuyền. Mỗi khi đi làm thuyền, trong thôn thường đi 1 nhóm chừng 7 người và khi nào làm người cái thuyền thì thả theo sông để đi về. Với 7 người có tay nghề và biết làm cũng mất 4 ngày mới xong một cái thuyền, việc chế tác thuyền hết sức công phu, đòi hỏi sự khéo tay và kiên nhẫn. Ngày nay, những cây gỗ lớn, thích hợp để làm thuyền ngày càng khó tìm, dẫn tới việc làm thuyền cũng trở nên hiếm hoi.
Trò chuyện với chúng tôi, ông A Ben thôn Kon Ktu, xã Đăk Rờ Wa, thành phố Kon Tum cho biết: Trong thôn chỉ còn nhà tôi có 2 cái thuyền của công ty du lịch cấp, khi nào có khách du lịch thì tôi chở đi dạo trên dòng sông Đăk La ngắm cảnh đẹp và trải nghiệm ngồi trên chiếc thuyền độc mộc, còn lúc rảnh thì tôi đi sang bên kia sông để lên rẫy. Chỉ có ở thôn Kon Jơ Ri là đang còn khoảng 50 thuyền thôi, vì nương rẫy họ ở bên kia sông nên cần thuyền để đi lại.
Càng ngày gỗ càng hiếm đi, với chủ trương của nhà nước cấm chặt phá rừng nên thuyền độc mộc bà con dần thay thế bằng những chiếc thuyền nhôm vừa rẻ, lại chạy bằng máy. Thêm vào đó, sự xuất hiện nhiều phương tiện giao thông hiện đại, khiến cho những con thuyền độc mộc dần vắng bóng trên dòng sông, dẫn đến việc làm thuyền độc mộc ngày dần mai một đi.