Lục bình, một loài cây thủy sinh trôi dạt khắp miền sông nước. Lục bình trôi tới đâu, hoa nở tới đó. Hoa màu tim tím, thầm lặng, không cao sang, cũng không ưa quyền quý, nở bừng khi mặt trời lên và se buồn khi hoàng hôn buông xuống. Hoa này tàn, hoa khác nở, cứ thay nhau trổ bốn mùa xuân hạ thu đông không bao giờ ngớt. Trai gái nghèo, phải lòng nhau tặng cho nhau cánh hoa lục bình thay cho lời tỏ tình, bởi màu tím tượng trưng cho sự thủy chung son sắt. Muốn nấu canh, chỉ cần hái bông lục bình ngắt đem về rửa sạch là được.
Đồ nấu canh chua (ảnh: tác giả).
Giác cũng là loại dây dại, chung leo bám vào các loại cây thân gỗ như bần, vẹt, tràm, dái ngựa, … ven mé sông, rạch khắp vùng đất mênh mông này. Trái giác non màu xanh, khi già ngả dần màu sậm rồi tím lịm. Trái giác tròn nhỏ cỡ ngón tay người lớn, treo thành từng chùm, vì thế dân gian còn gọi chúng là nho rừng. Giác để nấu canh chua ngon nhất là loại hườm hườm gần chín. Vị nó lúc đó chua thanh, lại ngòn ngọt, chan chát rất đặc trưng.
Canh chua trái giác bông lục bình nấu với các loại cá đồng như cá rô, cá trê, cá lóc,… đều ngon.
Tô canh chua màu tím (ảnh: tác giả).
Cá làm sạch, để ráo. Bắc nồi nước lên, cho trái giác vào, khi nước sôi vớt ra dầm nát, lược bỏ xác, hột, … Cho cá vào, khi nước sôi lại thì nêm nếm vừa ăn. Cuối cùng thả bông lục bình vô nồi, đậy nắp lại và tắt lửa. Thời gian ngắn sau đó, bông vừa chín mà không rục, nát. Múc canh ra tô nêm thêm ít ngò gai, ớt xắt lát. Canh chua bông lục bình thường chấm với muối cục thêm chút bột ngọt pha với chính nước canh đó.
Bên chén cơm nóng gạo thơm, nồi cá kho khô quẹt tô canh lục bình, cộng với nước trái giác tạo thành màu mực tím lãng mạn mà ngon biết chừng nào.
"Màu tím lục bình màu tím nhớ thương
Câu hò vọng nhớ quê hương thắm tình". – Ca dao