Dân Việt

Giám sát vật tư nông nghiệp: Trông đợi sự khách quan, chính xác, nghiêm minh

Đình Thắng - Trọng Đạt 24/04/2015 13:58 GMT+7
Trao đổi với phóng viên NTNN, lãnh đạo một số doanh nghiệp uy tín hoạt động trong lĩnh vực này bày tỏ sự ủng hộ chương trình giám sát vật tư nông nghiệp (VTNN), và tỏ ý trông đợi hoạt động giám sát được thực hiện một cách khách quan, chính xác, nghiêm minh.

Phải công tâm trong hoạt động giám sát

“Mỗi năm chúng tôi cung ứng ra thị trường 60.000 - 70.000 tấn phân bón, nên luôn ý thức việc tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh những mặt hàng này. Việc giám sát chặt chẽ các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN sẽ giúp doanh nghiệp (DN) yên tâm hơn trong hoạt động kinh doanh” - ông Lê Xuân Cường - Giám đốc Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Cường Liên (Thái Bình) nhìn nhận.

img
Một vụ phân bón giả bị người dân xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên phát hiện ngày 20.2.2014. Doanh nghiệp cung ứng phân bón giả này đã bị phạt 90 triệu đồng.    
Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Lê Xuân Cường, thời gian qua các ngành chức năng chủ yếu tiến hành thanh kiểm tra ở các DN và đại lý VTNN, một số đơn vị như hợp tác xã, ngay cả tổ chức chính trị - xã hội cũng tham gia cung ứng VTNN nhưng ít bị thanh tra, kiểm tra. “Quan điểm của DN là rất ủng hộ việc kiểm tra, giám sát, tuy nhiên phải triển khai quyết liệt và công bằng. Đối với đơn vị sai phạm phải kiên quyết xử lý, còn những doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định cũng phải được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết và có sự chọn lựa đúng đắn” – ông Cường kiến nghị.

 

Đánh giá về hiệu quả quản lý VTNN những năm qua, ông Phạm Mạnh Ninh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình cho rằng: “Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã tăng cường việc quản lý VTNN, nhiều đơn vị sản xuất hàng giả và kém chất lượng đã được nêu tên và xử phạt. Mặc dù vậy trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là thị trường phân bón tổng hợp NPK”.

Về việc phân tích, lấy mẫu kiểm nghiệm và quản lý chất lượng phân bón tại các địa phương, ông Ninh nêu ý kiến đáng lưu ý: “Vấn đề quản lý chất lượng phân bón trên thực tế vẫn còn mang tính chất địa phương hóa. Các doanh nghiệp nhỏ lẻ sản xuất tiêu thụ tại địa phương luôn được tạo điều kiện, còn các DN ngoài tỉnh vào tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn như việc lấy mẫu, cạnh tranh không lành mạnh. Quy trình lấy mẫu của các DN nói trên chưa phản ánh đúng thực trạng của chất lượng phân bón”.

Góp ý cho hoạt động giám sát, ông Phạm Mạnh Ninh bổ sung: “Chương trình phối hợp giám sát VTNN cần có chính sách thưởng, phạt nghiêm minh đối với lực lượng giám sát trong việc phát hiện và xử phạt các đơn vị có hàng giả và hàng kém chất lượng”.

Cần có người thẩm quyền cao, am tường chuyên môn

Quan điểm

Ông Hoàng Văn Tại - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển
  Phải giám sát từ khâu cấp phép, sản xuất và giám sát những người quản lý, trong đó phải giám sát cả những người thực hiện việc sửa đổi hành lang pháp lý nữa thì mới nghiêm ngặt.  
Nói về Chương trình giám sát VTNN, ông Hoàng Văn Tại – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển bình luận: “Điều này thể hiện quyết tâm, ý chí rất cao của Đảng và Nhà nước về vấn đề quản lý giám sát VTNN nhằm loại bỏ, xử lý nghiêm minh các hành vi sản xuất, kinh doanh VTNN giả, kém chất lượng, đặc biệt là lĩnh vực phân bón nhằm làm lành mạnh hóa thị trường, đem lại lợi ích cho người nông dân và các DN làm ăn chân chính”.

 

Tuy nhiên, để chương trình giám sát VTNN thực sự có hiệu quả, giúp loại bỏ các hành vi sản xuất kinh doanh VTNN giả, kém chất lượng trên thị trường, ông Hoàng Văn Tại góp ý: “Cần triển khai thực hiện giám sát sát sao và có hành lang pháp lý cụ thể, có phương pháp tiến hành. Phải giám sát từ khâu cấp phép, sản xuất và giám sát những người quản lý, trong đó phải giám sát cả những người thực hiện việc sửa đổi hành lang pháp lý nữa thì mới nghiêm ngặt”.

Ông Tại nhấn mạnh: “DN chúng tôi đã rất quyết tâm đấu tranh loại bỏ vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng. Chúng tôi đồng tình rất cao với Chương trình phối hợp giám sát VTNN, trong quá trình giám sát cần phải có những con người am hiểu tường tận lĩnh vực mình giám sát. Các bộ, ngành, địa phương cần cử đúng người tham gia giám sát. Bên cạnh đó, cơ quan giám sát cần phải hết sức khách quan, đảm bảo tính chính xác, nghiêm minh trong giám sát”.

Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP supe Phốt phát 
và Hóa chất Lâm Thao: Cần giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm
 

Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân nhái nhãn mác, phân bón kém chất lượng thời gian qua đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng, làm mất uy tín thương hiệu của các đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón chân chính và gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước. Việc kiểm tra, giám sát VTNN trong thời gian qua vẫn chưa thực sự xử lý triệt để những hành vi này…  Các DN sản xuất kinh doanh phân bón phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp bảo vệ thương hiệu, chống lại vấn nạn sản xuất phân bón giả, phân nhái; cần tổ chức các hội nghị, hội thảo để tư vấn cho bà con nông dân phân biệt đâu là sản phẩm chính hiệu để giúp cho người tiêu dùng lựa chọn đúng sản phẩm, tránh mua phải phân bón giả, phân nhái và phân bón kém chất lượng.
Huyền Trang (ghi)

Ông Nguyễn Khang - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang: Kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ chất dinh dưỡng

Hiện nay, sản phẩm phân bón kém chất lượng, có hàm lượng dinh dưỡng thấp đang tràn lan trên thị trường. Tình trạng kinh doanh gian lận, đánh lừa người dân đang ngày càng tinh vi, trong khi các cơ quan chức năng lại chưa làm tới cùng. Cụ thể, có nhiều sản phẩm ghi trên bao bì là 9.6.4 hay 5.10.3 tức là ở tỷ lệ tương ứng 9% đạm, 6% lân, 4% kali và 5% lân, 10% đạm và 3% kali… nhưng trên thực tế, các sản phẩm này chỉ đăng ký 0,9% đạm, 0,6% lân và 0,4% kali. Về mặt pháp luật, họ đăng ký đúng tỷ lệ chất dinh dưỡng với Sở NNPTNT nhưng khi đăng ký bao bì lại thuộc Sở Khoa học và Công nghệ cấp. Cái chính là cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ hơn, quy định đưa đúng tỷ lệ chất dinh dưỡng lên bao bì chứ không được đưa con số đẹp để đánh lừa người dân. 

Thanh Xuân (ghi)