Dân Việt

Đối phó nắng hạn: Tự cứu trước khi ngửa mặt nhìn trời

Hoàng Công- Thuận Tuy 01/06/2015 06:15 GMT+7
Mặc dù đang là thời điểm hạn hán gay gắt nhưng dọc con đường vào thôn Bà Râu 1, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận là một màu xanh mơn mởn của những ruộng lúa, rẫy bắp, đậu xanh... 
Khi tìm hiểu, chúng tôi mới biết đó là nhờ cây trồng được đảm bảo nguồn nước tưới từ những hệ thống ao chứa nước, giếng khoan được người dân đào ngay tại chân ruộng, là cách để bà con nơi đây chống hạn cho cây trồng vào mùa khô. 
img
Một mô hình tưới tiết kiệm nước tại vùng hạn xã An Hải.

Chủ động đào ao trữ nước

Anh Chamaléa Lân cho biết: Năm nay, thời tiết khô hạn kéo dài, nguồn nước từ hồ Bà Râu đã cạn kiệt, làm cho mấy sào lúa của gia đình đang có nguy cơ giảm năng suất, cây lúa bắt đầu có hiện tượng vàng lá và gần 4 sào bắp lai cũng gần như khô héo. Để có nước tưới, đầu tháng 2 vừa qua, gia đình anh đã đào giếng sâu hơn 10 mét, đầu tư hơn 6 triệu đồng mua ống bi và máy bơm về tưới cho cây trồng.


Ông Lê Thanh Xuân (thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo)
  Mấy vụ liền không có nước. Trông chờ vào mấy sào ruộng để kiếm sống, nhưng khô thế này sao mà xuống giống. Mấy con bò cũng không có nước uống. Giờ tình hình như vậy, biết làm sao bây giờ. Cứ tiếp tục vầy, chắc đói thôi. 
Nhờ nằm sát lòng hồ Bà Râu nên mạch nước ngầm dồi dào, đào tới đâu nước dâng tới đó, nên gần 1,5 ha đất trồng trọt của gia đình phát triển tốt trở lại. Niềm vui cũng đến với gia đình anh Ka-tơ Duynh, khi đang nỗ lực chống hạn bằng cách đào ao để lấy nước tưới cho mấy sào bắp, cho gia súc và sinh hoạt trong gia đình. Gia đình anh đào ao sâu hơn 5 mét, thì gặp ngay mạch nước dâng cao gần 2 mét.

Anh Ka-tơ Duynh, vui mừng chia sẻ: Nhờ chủ động đào ao chứa nước, nên cây bắp không bị chết khô, mấy con bò cũng có nước để uống, không còn lo cảnh thiếu nước khi mùa khô đến nữa... Được biết, để giảm chi phí, bà con có rẫy gần nhau thường lập một nhóm từ 3-5 hộ góp tiền đào ao, đào giếng và thay nhau bơm tưới luân phiên. Nhờ cách làm sáng tạo nên cơ bản nước đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất, chăn nuôi gia súc và sinh hoạt gia đình trong những tháng mùa khô của bà con trong thôn.

Ngược về xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, vùng đất nổi tiếng trong nghề trồng hành tím, nho đỏ đang trở thành “tâm hạn” của huyện Ninh Hải. Bà con và chính quyền ở đây cũng đang ra sức tìm mọi cách để cứu hoa màu, vật nuôi. Theo lãnh đạo xã Nhơn Hải cho biết: Toàn xã hiện có 520 giếng khoan với độ sâu 20-30 m và 60 ao lớn nhỏ, mỗi giếng khoan đầu tư 10-15 triệu đồng. Trong đó, có 310 giếng và 30 ao còn có nước bơm tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Có lẽ, Nhơn Hải là địa phương có số lượng giếng khoan và ao chống hạn nhiều nhất của tỉnh Ninh Thuận, cung cấp nước tưới cho 128 ha cây trồng vụ đông-xuân 2014-2015.
img
Bỏ ra 70 triệu đồng, anh Nguyễn Hữu Trí thôn Nhơn Hải mới đào được cái giếng sâu 15m đủ để tưới cho rẫy hành, vườn nho của gia đình anh.

Về Nhơn Hải giữa mùa khô hạn này mới thấy người dân địa phương đã huy động sức người, sức của để đào ao, khoan giếng tìm nguồn nước sản xuất và chăn nuôi. Có những nông hộ phải mua nước ngọt với giá 50.000 đồng/m3 để tưới bổ sung cho cây hành, cây nho sắp vào mùa thu hoạch nhưng giếng đứt mạch. Chỉ tay vào giếng nước mới hoàn thành vào cuối tháng 1-2015, anh Nguyễn Hữu Trị (thôn Mỹ Tường 1) cho biết, gia đình anh đầu tư gần 70 triệu đồng đào giếng sâu 11 m, rộng 6 m, xây gạch và khoan 3 mũi sâu 15 m, bảo đảm nguồn nước bơm tưới cho 4 sào đất trồng nho trong vụ đông-xuân năm nay.

Mua nước uống cứu người và gia súc

Cũng như Ninh Thuận, một số địa phương ở tỉnh Bình Thuận đang xảy ra hạn hán cục bộ, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong vùng.

Đến nay, nguồn nước 16 hồ thủy lợi trong tỉnh đã cạn, tổng dung tích hữu ích còn khoảng 50 triệu khối, chỉ đạt 23% dung tích thiết kế. Một số địa phương nằm phía Bắc tỉnh Bình Thuận giáp với Ninh Thuận biểu hiện rõ nét nhất tình hình hạn hán. Trong đó, huyện Tuy Phong là nơi chịu ảnh hưởng nặng.
img
Một vườn trôm của nông dân xã Vĩnh Hảo, Tuy Phong, Bình Thuận bị trụi lá do thiếu nước tưới.
Hồ Đá Bạc cung cấp nguồn nước thủy lợi duy nhất cho xã Vĩnh Hảo đã cạn. Mực nước trong hồ hiện tại nằm dưới mực nước chết. Từ cuối năm 2014 đến nay, khoảng 800 ha đất nông nghiệp phải bỏ hoang. Nông dân gặp vô vàn khó khăn bởi không thể canh tác trên diện tích đất nông nghiệp của gia đình. Gia đình ông Lê Thanh Xuân (thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo) có 5 sào lúa. Kênh thủy lợi hồ Đá Bạc nằm sát ruộng nhà ông. Nhưng nước trong kênh đã cạn kiệt từ lâu.

img Hồ Đá Bạc, nguồn cung cấp nước tới duy nhất cho xã Vĩnh Hảo nay đã cạn khô trơ đáy.
Cũng như gia đình ông Xuân, hằng trăm hộ dân trong vùng cũng chịu cảnh tương tự. Để có nước sinh hoạt và cứu đàn gia súc, người dân phải tự bỏ tiền ra mua nước của các xe bồn do các đơn vị tư nhân cung cấp. Ở gần trung tâm, mỗi xe bồn có giá 100.000 đồng. Còn ở xa hơn, giá tăng lên tùy theo đoạn đường. Chẳng hạn như ở khu vực Suối Sâu – Cây Cóc, anh Nguyễn Văn Nhân (nông dân chuyên trồng cây trôm và nuôi bò) phải mua một xe nước có giá gần 200.000 đồng. 

 

Anh Nhân nói: “Hơn một năm nay, ở Tuy Phong chỉ vài cơn mưa lác đác, nắng đến cháy da. Người không có nước tắm huống gì là bò. Đàn bò 15 con ở nhà không có thức ăn phải cầm cự bằng vỏ bắp, rơm khô. Nước thì mua xe bồn, khá tốn kém. Không lẽ ngồi nhìn bò chết khát.” Ngoài Vĩnh Hảo, nhiều xã khác ở huyện Tuy Phong cũng chịu thiệt hại nặng do hạn hán gây ra. Sông suối, ao hồ trong khu vực đều khô cạn. Không có nước tưới từ mấy tháng qua, hàng ngàn ha cây trôm lấy mủ cho năng suất kém. Ông Lê Tiến Bình (nông dân trồng trôm ở xã Vĩnh Tân) nói: “Hơn 2.000 cây trôm mùa này khô trụi lá. Mủ không ra giọt nào. Năm nay, gia đình thất thu khoảng ba chục triệu đồng”. 

Để cứu diện tích cây trồng trong vườn, một số người bỏ tiền vét giếng hoặc khoan giếng sâu, nhưng nguồn nước ngầm cũng nhỏ giọt. Hầu hết chỉ đủ tưới cầm cự chờ mưa xuống. Người dân địa phương cho biết, đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa có động thái nào hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do thiên tai gây ra.