Nước mắt sau phiên tòa
Một ngày sau phiên tòa sơ thẩm tại nhà phạm nhân Bùi Xuân Đường ở thôn Bình Trung xã Hương Bình huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) rất đông anh em, xóm giềng đến chia sẻ động viên. Mặc dù phiên tòa sơ thẩm kết thúc với bản án 26 tháng tù giam nhưng thời điểm này phạm nhân Đường đang trong thời gian 15 ngày chờ kháng cáo, tòa cho tại ngoại về với gia đình trước khi vào trại. Thấy đông người đến động viên chị Dương Thị Phương (SN 1975, vợ phạm nhân Đường) không cầm nổi nước mắt.
Chị Phương kể: “Chủ trương sáp nhập trường của nhà nước là đúng nhưng khi triển khai vội vàng, chưa bàn bạc kỹ với dân nên đa số nhân dân không đồng tình. Không chỉ anh Đường nhà tôi mà dân Hương Bình đều bất bình vì việc giải thể trường khiến con em ở đây phải đi học xa, nguy hiểm. Cũng chỉ vì quyền lợi của con em mà anh Đường vi phạm pháp luật. Mà vi phạm cũng chỉ cột múi băng rôn treo ở cổng trường Hương Bình phản đối sáp nhập trường và lặt đá đưa vô sân trường phòng kẻ xấu đêm tấn công bà con giữ trường”. Chị Phương vừa dứt lời phạm nhân Đường tiếp chuyện: “Tưởng những vi phạm đó của tôi nặng lắm cũng chỉ mức tù treo ai ngờ phải chịu 26 tháng tù giam”.
Chị Phương cho biết: Hôm tòa xét xử tất cả 9 bị cáo đều không có luật sự bào chữa. Không chỉ gia đình tôi mà 8 người còn lại cũng thế gia đình khó khăn, lấy tiền đâu mà mời luật sư. Vả lại trước khi phiên tòa diễn ra rất nhiều người dân trong xã nói ra nói vào đây là vụ án nhạy cảm nên mời luật sự cũng không bào chữa được đâu. “Bây giờ bản án sơ thẩm đã tuyên chồng tôi phải chịu 26 tháng tù giam rất nhiều người bàn viết đơn kháng cáo mong muốn giảm nhẹ tội cho chồng nhưng không chỉ tôi mà chồng tôi cũng nói nếu kháng cáo mở phiên tòa phúc thẩm sợ rằng “không nghe lời” phiên tòa sau nặng hơn nữa”- chị Phương nói.
Còn chị Trương Thị Vân (SN 1978) vợ của phạm nhân Phan Thế Vỹ nói: “Từ ngày chồng tôi bị đưa ra xét xử trở về trước không bị một ngày tạm giam hay tạm giữ. Tưởng tội nhẹ xử xong họ cho về ai ngờ phải chịu vòng lao lý. Nhiều người không cầm nén được lòng mình đã ôm anh ấy khóc tại tòa. Biết là còn nhiều thiệt thòi nhưng không dám nghĩ đến việc kháng án”.
Chính quyền địa phương khẳng định “làm đúng”!
Không chỉ người thân gia đình các bị cáo mà nhiều người dân ở Hương Bình thừa nhận hành vi vi phạm của các bị cáo là có nhưng nguyên nhân dẫn đến những sai phạm đó là một phần có lỗi của chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc. Bà Trần Thị Huệ (85 tuổi) là vợ liệt sĩ Lê Đăng Trương ở xã Hương Bình cho biết: “Chủ trương sáp nhập trường ở Hương Bình là đúng nhưng cán bộ làm không đúng, việc sáp nhập trường lúc đầu xã không cho dân biết. Người dân phản ứng dẫn đến vi phạm pháp luật thì xử lý còn chính quyền địa phương có cái sai thì vô can. Nếu chính quyền xã không lạt lẽo mà quan tâm đến nguyện vọng của dân thì không có sự việc xẩy ra”.
Trao đổi với PV NTNN ông Lê Đăng Lợi- Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Bình cho biết, mặc dù Tòa có mời tất cả các thành viên ban chỉ đạo xã với vai trò là người làm chứng nhưng tôi và một số lãnh đạo bận không tham dự được mà chỉ nắm sơ qua từ anh em nên không bình luận án nặng hay nhẹ.
Nói về việc trách nhiệm của chính quyền, ông Lợi cho rằng: “Chính quyền xã làm đúng, từ ngày 8.5.2014 xã đã tổ chức họp phụ huynh rồi nhưng họ bỏ về hết!?”.
Ông Đặng Đức Thanh-Cán bộ tư pháp xã Hương Bình thì còn cho rằng: “Mức án đó với 9 bị cáo là quá thấp, vì những đối tượng này cản trở khiến con em trong xã thất học 4 tháng trời”. Tuy nhiên, dù khăng khăng rằng xã làm đúng nhưng 2 ông vẫn phải thừa nhận đã có 2 cán bộ xã bị kỷ luật buộc thôi việc vì sai phạm trong vụ việc này như trường hợp ông Lưu Văn Thắng (nguyên Chủ tịch xã) và ông Lê Đăng Trung (Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã)”.