Dân Việt

Giám sát vật tư nông nghiệp: Cần đồng bộ để thực thi

Hải Sơn 25/04/2015 10:37 GMT+7
Bảo đảm an toàn sản xuất nông nghiệp (SXNN), bảo vệ lợi ích nhà nông – Chương trình phối hợp giám sát VTNN đã tạo nên hấp dẫn dư luận, đáp ứng được yêu cầu chính đáng của nông dân. 

Nhưng sau 9 tháng thực hiện, hoạt động giám sát VTNN đang trong tình trạng “giậm chân tại chỗ” ở cả 4 cấp Hội: Cơ sở, huyện, tỉnh và trung ương. Vì sao có thực trạng đó? Loạt bài về giám sát VTNN đăng trên báo NTNN, Dân Việt đã lý giải các yếu tố cần: Tập huấn đi đôi với “cảnh báo sớm”; cần giám sát công tác quản lý; thiếu chuyên môn khó phối hợp và không dễ giám sát chất lượng phân bón. Trong bài viết này, tôi xin được trao đổi 2 vấn đề còn thiếu nên Hội ND các địa phương rất lúng túng, hoặc muốn làm nhưng không thể tổ chức giám sát được.

img
Nhiều cán bộ thôn ở xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk vướng vòng lao lý vì đứng ra tín chấp phải phân bón giả của một công ty ở Đồng Nai để bán cho nông dân. Duy Hậu
Thứ nhất, thiếu các văn bản hướng dẫn, quy định có tính pháp lý để thực hiện giám sát chủ động (theo chương trình) và giám sát đột xuất (khi có phản ánh, kiến nghị của người dân). Có một thực tế cần được khơi thông là: Ai/một tổ chức hay cả 4 tổ chức (MTTQ, Hội ND, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương) là chủ thể ra quyết định tổ chức cuộc giám sát VTNN? Tiếp đến là doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân được giám sát có đồng thuận và chịu thi hành quyết định giám sát không? Bởi luật hiện hành của Việt Nam không quy định chương trình hành động là một văn bản pháp luật của Nhà nước. Điều lệ Hội ND, điều lệ MTTQ là văn bản nội bộ, không bắt buộc tổ chức, cá nhân không là thành viên có trách nhiệm thực hiện.

 

Thứ hai, sản xuất nông nghiệp phải sử dụng nhiều loại vật tư, trong đó: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là thiết yếu, không thể thiếu với cây trồng nên 2 loại vật tư này có nhiều vi phạm như giả mạo, kém chất lượng, bị đẩy giá... không ít doanh nghiệp, tư thương kiếm lời “trên lưng” ND. Để lành mạnh hóa quan hệ kinh tế - xã hội thì năng lực giám sát phải có đủ 3 quyền: Thông tin, kiểm tra và xử lý sai phạm. Định chế “giám sát của nhân dân” nếu thiếu 1 trong 3 quyền, đặc biệt không có quyền kiểm tra, quyền xử lý sai phạm thì hoạt động giám sát chỉ mang tính hình thức, không đủ mạnh để bảo vệ SXNN, bảo vệ lợi ích nhà nông, đôi khi còn làm tổn hại đến giá trị nhân văn của một chủ trương lớn.

Vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn và lúng túng để mở đường cho các hoạt động giám sát của Hội ND cần phải có văn bản pháp luật của Chỉnh phủ, sự vào cuộc của chính quyền địa phương.