Dân Việt

Lính đặc công kể chuyện 4 ngày đánh chiếm cầu Rạch Chiếc

29/04/2015 09:00 GMT+7
"Pháo chụp phát nổ trên không, cách mặt đất 5-7 m. Những mảnh pháo sau khi nổ cắm xuống khiến nhiều đồng đội hy sinh trước mặt tôi", cựu binh Nguyễn Đức Thọ kể.

Năm 17 tuổi, chàng trai quê Thanh Hóa Nguyễn Đức Thọ giác ngộ cách mạng, đi thoát ly chiến đấu. Anh được huấn luyện tại Đoàn 126 Đặc công Hải quân và sau đó biên chế vào đơn vị Z23 Đặc công nước, vào Nam hoạt động ở vùng Đông bắc Sài Gòn, cạnh xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa và cầu Rạch Chiếc.

Vùng này trước năm 1975 toàn sình lầy, cây dại phủ đầy, lại nằm giữa cụm liên hiệp phòng thủ tại cầu Rạch Chiếc, Liên trường Thủ Đức - Cát Lái. Quanh đó là các cảng quân sự Sài Gòn, Nhơn Trạch. Quân lực tập trung tại các điểm này lên tới hơn 10.000 người, cùng với máy bay, tàu chiến.

img

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thọ, người bắn phát B40 khai màn trận đánh cầu Rạch Chiếc 40 năm trước. Ảnh: Trường Nguyên.

Đề phòng bộ đội giải phóng hoạt động tại đây, chính quyền Việt Nam Cộng hoà cho rải chất độc, chất phát quang khiến cây cối không sống được. "Muốn trụ vững địa bàn, chúng tôi phải dầm mình suốt ngày dưới các bãi sình lầy ngập ngụa, hoặc nép vào những bụi dừa nước liên tục nhiều ngày để trinh sát”, ông Thọ nhớ lại.

Những ngày tháng 4/1975, nhiều cánh quân tiến nhanh thần tốc, chuẩn bị bao vây Sài Gòn. Đơn vị Z22, Z23 (đặc công nước, Lữ đoàn 316 thuộc Bộ Tham mưu Miền) và Tiểu đoàn 81 (đặc công cạn) được giao nhiệm vụ đánh chiếm và giữ cầu Rạch Chiếc, mở đường cho các đơn vị quân chính quy tiến vào nội đô.

Ông Thọ kể: "Lúc biết mình được chọn bắn phát súng đầu tiên mở màn trận đánh, tôi khá hồi hộp nhưng cảm thấy rất tự hào. Các anh em xác định đây là trận đánh ác liệt, cam go, có thể hy sinh bất cứ lúc nào bởi cụm phòng thủ cầu Rạch Chiếc được xem là bức tường lửa".

Thực tế, sau thất bại ở Xuân Lộc (Đồng Nai), chính quyền Việt Nam Cộng hoà dồn lực lượng vào phòng thủ khiến trận đánh thêm khó khăn.

Riêng lực lượng canh giữ thường trực cầu Rạch Chiếc có khoảng 400 lính được trang bị súng chống tăng, phóng lựu, súng cối 60 ly. Hai đầu cầu có 4 lô cốt kiên cố, mép sông có nhiều công sự, bốt gác, bãi mìn… biến nơi đây thành lưới lửa cực mạnh. Dưới gầm cầu có hai khối thuốc nổ lớn, đề phòng trường hợp không giữ được thì phá huỷ.

Rạng sáng 26/4/1975, lực lượng được giao nhiệm vụ đánh cầu Rạch Chiếc đi nhận vũ khí. Mỗi bộ đội lấy cho mình súng AK, 16 quả thủ pháo, 2 lựu đạn. Các chiến sĩ phụ trách bắn B40, B41 được trang bị thêm 10 quả đạn. Thức ăn, hậu cần đem theo mỗi người là 2 nắm cơm, 4 cuộn bông băng. Giờ G nổ súng được xác định 3h15 ngày 27/4.

Người cựu binh kể: "Khi gà chưa gáy, trời tối thui nhưng giờ G đã điểm, tôi bắn phát súng đầu tiên vào tháp canh cầu Rạch Chiếc nhưng không trúng vì tránh hàng rào thép gai nên nâng súng hơi cao. Đồng chí Trần Đình Lạc hô: 'Bắn tiếp đi, Thọ ơi'. Tôi bắn tiếp phát thứ 2 trúng đích, đạn làm đổ một góc tháp canh, hạ luôn khẩu đại liên của địch".

img

Ông Nguyễn Đức Thọ (bìa trái) chụp ảnh cùng đồng đội sau chiến thắng cầu Rạch Chiếc. Ảnh tư liệu.

Những đồng đội ở vị trí chiến đấu khác xông lên, ném lựu đạn vào lô cốt khiến lực lượng phòng thủ ở đây hoảng loạn tháo chạy. Trận đánh được chuẩn bị kỹ nên diễn ra thuận lợi.

Đến chiều cùng ngày, quân đội Việt Nam Cộng hoà tập trung lực lượng phản kích dữ dội. Pháo lớn từ các cụm phòng thủ Thủ Đức, Cát Lái dồn dập dội vào trận địa của những người lính đặc công.

“Cơn mưa đạn pháo dội vào không hiệu quả, họ chuyển sang dùng pháo chụp. Loại pháo này phát nổ trên không, cách mặt đất 5-7 m, những mảnh pháo sau nổ cắm thẳng xuống khiến nhiều đồng đội hy sinh trước mặt tôi", ông Thọ nhớ về thời điểm ác liệt của trận đánh.

Ngoài ra, quân đội Việt Nam Cộng hoà còn dùng loại pháo "luồng", khi bắn vào trận địa thì cắm sâu xuống đất mới phát nổ, gây áp lực lớn, hất tung mọi thứ ở trên mặt đất. Ông Thọ bị thương nhẹ khi bị một quả pháo loại này nổ ở gần.

“Biết nhiều chiến sĩ đánh cầu Rạch Chiếc đói nhưng không rời vị trí chiến đấu, người dân quanh vùng bí mật nấu cơm, mang ra tận nơi ẩn nấp tiếp tế nên chúng tôi mới có thể bám trụ", cựu chiến binh kể.

Đến ngày 29/4, đơn vị được lệnh rút ra ngoài, tổ chức lại lực lượng chuẩn bị tái đánh chiếm cầu. Yêu cầu lần này là phải chiếm được, không để sập cầu, mở đường cho quân giải phóng tiến vào nội đô Sài Gòn.

Lúc 5h ngày 30/4, đơn vị đặc công nước, biệt động lại nổ súng tấn công vào cụm phòng thủ cầu Rạch Chiếc. “Bên trong đồn tập trung hàng ngàn quân, nhưng chủ yếu là bại binh từ Long Thành, Xuân Lộc chạy về nên không còn tinh thần chiến đấu. Đợt tiến công diễn ra nhanh chóng, quân đội Việt Nam Cộng hoà tháo chạy tán loạn về trung tâm, số khác đầu hàng", ông Thọ kể.

Đến sáng sớm 30/4, đại quân giải phóng hướng Đông tiến qua cầu Rạch Chiếc, hành quân vào Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất). Những chiến sĩ đặc công đánh cầu chia làm hai nhóm, một giữ kho quân nhu, một qua nhà máy điện Thủ Đức vận động công nhân tiếp tục làm việc để Sài Gòn không bị cắt điện.

“Trong lúc đến nhà máy điện, mấy anh em mang theo chiếc radio. Khi nghe tiếng Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, niềm vui mừng chiếm trọn trái tim chúng tôi. Mấy anh em nhìn nhau không nói nên lời, ai cũng muốn chạy vào nội ô chứng kiến ngày thống nhất. Nhưng vì nhiệm vụ, chúng tôi vẫn ở lại vị trí được giao trong ngày lịch sử đó", người cựu chiến binh 60 tuổi kể về thời khắc hay tin giải phóng Sài Gòn.

Kể chuyện một lúc, ông lại chùng xuống, mắt đượm buồn khi nghĩ về các đồng đội. Hai ngày đầu đánh và giữ cầu, lực lượng phòng thủ cầu Rạch Chiếc đông, nhiều súng nên phản kích ác liệt. Cả Z22 và Z23 lúc rút ra ngoài chỉ còn 29 người, 52 đồng đội của ông đã hy sinh trước ngày thống nhất.

Người làm ông Thọ nhớ nhất là chiến sĩ Hoàng Viết Thành (quê Quảng Bình, chỉ huy đội đặc công). Trong lúc chiến đấu, ông Thành bị mảnh pháo làm gãy một chân nhưng vẫn kiên cường, không rời vị trí.

Thấy chỉ huy bị thương nặng, anh em đặc công tìm được chiếc xuồng, định để ông Thành lên, đẩy theo dòng nước ra bìa rừng dừa cho quân y chăm sóc. Nhưng chỉ huy đặc công không chịu, động viên đồng đội tiếp tục chiến đấu. Lúc đó, một mảnh pháo khác dội đến cắt đứt chân còn lại của ông Thành.

Trong điều kiện sình lầy, vết thương của ông nhanh chóng hoại tử, người nóng sốt mê man. Trong cơn đau, người chỉ huy trận mạc gọi “mẹ ơi” khiến đồng đội không cầm được nước mắt.

“Có chiến sĩ bị bắt, nhất quyết không khai nên bị quân đội Việt Nam Cộng hoà chặt đầu, bỏ ở 2 đầu cầu để uy hiếp tinh thần. Nhưng điều đó chỉ làm chúng tôi càng quyết tâm chiến đấu mà thôi", ông Thọ nói.

Người lính bắn phát súng đầu tiên trong trận đánh cầu Rạch Chiếc tiếp tục hoạt động trong quân đội đến năm 1983 thì giải ngũ, trở về Thanh Hóa. Ông là thương binh, mất sức lao động hơn 60 %. Năm 1990, ông đưa cả gia đình vào TP HCM lập nghiệp.

Vợ chồng ông có ba người con, đang sống ở quận 8. Trong đó, người con gái bị bệnh vì ảnh hưởng chất độc hóa học trong thời gian ông Thọ đi chiến đấu.