Nghề nguy hiểm, nhưng lại giúp người dân nhanh làm giàu, nhiều hộ đã có tiền tỷ nhờ thu nhập từ nuôi rắn.
Người đầu tiên đưa nghề nuôi rắn về Bạch Xá là anh Nguyễn Kế Đông. Đầu năm 1990, anh Đông bắt đầu thí điểm xây dựng 5 chuồng chuyên nuôi rắn hổ mang và rắn hổ trâu với diện tích mỗi chuồng rộng khoảng 3m2, nuôi nhốt từ 30 - 40 con.
Anh Đông cho biết: “Rắn hổ mang là loài ăn tạp, nên rất dễ nuôi, ít bệnh tật, thức ăn cho rắn cũng dễ kiếm, chủ yếu là gà và vịt con chết, trứng ấp hỏng, cóc, nhái… Sau đó, anh đã liên tục nhân thêm giống và đến nay, cả gia đình anh đã có tới 3 trang trại lớn chuyên nuôi rắn với số lượng lên tới 5.000 con, trong đó có 1.000 con giống bố mẹ và 4.000 con rắn thương phẩm.
Sau anh Đông đã có rất nhiều người trong thôn đầu tư vào nuôi rắn như ông Nguyễn Thế Sang. Nhà vốn chỉ trồng lúa là chính, song hiện ông đã có 3 chuồng rắn với số lượng gần 600 con. Ông Sang chia sẻ: “Lúc đầu, tưởng khó nuôi, nhưng sau đó tôi lại cảm thấy nuôi rắn còn dễ hơn… nuôi lợn”.
Theo anh Đông, trong nuôi rắn, điều quan trọng nhất là khâu cho rắn ăn. Rắn thường chỉ ăn mạnh vào tháng 6 - 7 và 2 ngày mới phải cho rắn ăn một lần, đặc biệt đến mùa đông không cần cho rắn ăn. Sau 2 năm, mỗi con rắn sẽ đạt từ 2,5 – 4kg, bán ra thị trường khoảng 800.000 – 1 triệu đồng/kg, trừ chi phí thì người nuôi lãi 400.000 – 500.000 đồng/con.
Với giá trị mỗi con rắn giống 150.000-170.000 đồng (tùy loại), khoảng 60.000 đồng/quả trứng giống, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm một hộ nuôi rắn với số lượng hàng nghìn con như anh Đông có thể thu được hàng tỷ đồng. Toàn thôn Bạch Xá, hiện có 490 hộ dân, thì có tới 300 hộ đã chuyển sang nghề nuôi rắn.
Đỗ Đông