Anh Đào Chí Hiếu - Trưởng phòng Phát triển nguyên liệu và Đầu tư thu mua của Công ty cổ phần Mía đường - Nhiệt điện Gia Lai than thở: “Mía cháy khắp các xã Ia Piar, Ia Hiao, Ia Peng, Chroh Pơnan, Ia Yeng huyện Phú Thiện, Chư Jú (Ayun Pa)… Dập được ruộng này, lửa lại bùng ở ruộng mía khác. Nhà tôi có 6ha mía ở vùng Chư Jú cũng cháy rụi mà không tài nào dập được…”.
Trong bạt ngàn mía trải từ Quốc lộ 25 lên đến sườn núi rộng mấy nghìn ha, lốm đốm những vùng cháy. Tính cộng trong tháng đầu vụ ép này đã xảy ra 71 vụ cháy mía, thiệt hại trên 4.210 tấn, trị giá không dưới 4 tỷ đồng - tăng gấp 4 lần về số vụ và hơn 2 lần về diện tích mía bị cháy so với cùng kỳ năm ngoái…
“Mía cháy mất giá trị đến 30- 40% so với bán mía tươi vì bị nhà máy trừ hao hụt tạp chất, trừ chữ đường, trọng lượng nhẹ, công đốn tăng… Bình quân mỗi ha mía cháy, nông dân bị thiệt hại 25-30 triệu đồng, may thì hòa vốn còn là cầm chắc lỗ” - ông Nguyễn Văn Khôi – nông dân xã Ia Peng cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các vụ mía cháy xảy ra chủ yếu ở vùng tranh chấp mua bán nguyên liệu trong, ngoài tỉnh (các xã Ia Peng, Ia Yeng (Phú Thiện) và Ia Sao (Ayun Pa). Nhiều vụ đốt mía là do cố tình phá hoại để gây sức ép tiêu thụ với nhà máy, nhưng phần lớn là đốt để nông dân nóng ruột đốn mía bán ra tỉnh ngoài - dù giá thấp hơn đến 20%, tức chịu lỗ 200.000 đồng/ tấn…
Theo thống kê của Nhà máy Đường A Yun Pa, mỗi ngày có khoảng 30 xe tải chở mía bán chui xuống Phú Yên. Chỉ tính từ đầu vụ đến ngày 29.11 đã có tới gần 165 xe tải mía bán ngoài vùng với tổng sản lượng trên 4.500 tấn, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều hộ nông dân đã phá bỏ hợp đồng với công ty, lén chặt mía bán cho một công ty ở huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Về phía nhà máy, họ ép phải ưu tiên mua trước mía bị cháy để giảm thiệt hại cho dân…
Đức Phương