Dân Việt

Cắm sổ đỏ vay tiền tìm cá rô phi

Phi Long 15/05/2015 06:15 GMT+7
“Đặt cược” 3 căn nhà mái bằng của gia đình và người thân để đi tìm giống cá rô phi, ông Nguyễn Đức Chí ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) được biết đến là người đầu tiên đưa con cá rô phi đơn tính về Việt Nam.
Cắm sổ đỏ vay vốn ngân hàng đi tìm cá

Về Hải Dương để tìm hiểu về giống cá rô phi, hỏi ra thì không ai không biết đến ông Nguyễn Đức Chí, thậm chí tên tuổi của ông trong lĩnh vực cá rô phi rất nổi tiếng ở nhiều tỉnh phía Bắc. “Cá giống của ông Chí tuy đắt hơn so với những nơi khác, nhưng con giống mua ở đây chất lượng, nuôi đạt sản lượng cao hơn rất nhiều lần, nên đã nhiều năm nay chúng tôi đều lấy cá giống ở trại cá ông Chí”, bà Bùi Thì Liên – Chủ nhiệm HTX thuỷ sản Tiên Động (Tứ Kỳ) cho biết.

img
Ông Nguyễn Đức Chí
 Với khoảng 50 trang trại sản xuất cá giống vệ tinh, Công ty của tôi mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 10 triệu cá giống rô phi đơn tính,cùng nhiều loại cá giống khác. Doanh thu mỗi năm 40 - 50 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. 
Tò mò về những lời giới thiệu đó, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Đức Chí ở thôn Ô Mễ (xã Hưng Đạo). Đập ngay vào mắt chúng tôi là một căn biệt thự khang trang, khách hàng ra vào nườm nượp. “Ngoài biệt thự, ông chủ tôi còn có 2 chiếc xe ô tô đắt tiền và 3 khu trại sản xuất giống rộng hàng chục ha. Tất cả những tài sản này của ông ấy đều có được từ cá rô phi”, một công nhân làm ở trại cá giống của ông Chí, cho hay.

Từ những ngày còn nhỏ, ông Chí (sinh năm 1959) đã có niềm đam mê với nhiều loài thủy sản. Từ những đầu năm 90 của thế kỷ trước, khi Hải Dương có chủ trương chuyển đổi đất lúa không hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản, ông đã nhận thầu 5ha. “Nhìn cả bãi đất trũng, cỏ mọc um tùm chẳng ai chịu chuyển ra đó, nên khi thấy tôi quyết định nhận thầu, người ta còn cho tôi là dở hơi”, ông Chí tâm sự. Sau khi thắng thầu ao, ông đã cho thả nuôi các loại cá truyền thống, nhưng rồi chúng hay bị dịch bệnh, giá cả thì bấp bênh nên không có mấy hiệu quả. Tính ông thích mày mò, tìm tòi những cái mới nên cứ bán cá xong, tích góp được tiền là ông lại đi khắp các nơi, nhiều khi vào tận đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để học hỏi các mô hình nuôi cá. “Tôi đã từng nuôi hầu như tất cả các loại cá, ngay cả giống cá tra từ khi mới vào Việt Nam tôi cũng đã thuê ao ở ĐBSCL để cho người nuôi thử. Nhưng tôi vẫn muốn tìm ra một loài cá mới hiệu quả hơn”, ông Chí chia sẻ.

Với tâm nguyện phải tìm ra giống cá mới, ít dịch bệnh, dễ nuôi, được thị trường ưa chuộng, năm 1998, ông lấy sổ đỏ của gia đình và mượn thêm 2 căn nhà của người thân để cắm ở ngân hàng vay được gần 300 triệu đồng  sang Trung Quốc tìm giống cá mới. “Tôi thuê được 1 người phiên dịch ở Móng Cái và một lái xe người Trung Quốc, ngày nào cũng đi tìm các trang trại cá ở Trung Quốc. Tính ra mỗi ngày chi tiêu hết 7 triệu đồng, tương đương với một con trâu thời bấy giờ, nhưng đi tới 10 ngày mà vẫn chưa tìm thấy cá”, ông Chí kể.

Đến ngày thứ 11, khi đang ngồi ăn cơm, có người mách ông Chí cứ vào mạng tìm kiếm là có “Ngày đó tôi có biết vào mạng internet là gì đâu. Sau đó, cô phiên dịch đã truy cập mạng thì đúng là tìm được trạng trại nuôi cá rô phi đơn tính ở Đài Loan. Rồi tôi bay đến đó. “Họ thử thách tôi 3 ngày, cho ăn cơm cùng với những công nhân ở trang trại, tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Khi thấy tin tưởng, họ mới mời tôi ra nhà hàng chiêu đãi và ký hợp đồng cung cấp giống cá rô phi đơn tính” - ông Chí kể.

Hướng đến tự sản xuất giống 

Theo ông Chí, thời điểm đó nuôi cá rô phi đơn tính rất hiệu quả, nhiều người dân trong vùng đã đến học hỏi kinh nghiệm và nhờ ông nhập giống về nuôi. Thấy ngày càng có nhiều người có nhu cầu về con giống rô phi đơn tính, ông Chí đã chuyển toàn bộ khu nuôi cá thương phẩm sang ươm giống để bán cho bà con. Rồi ông bỏ “tiền túi” đi khắp các địa phương để chuyển giao kỹ thuật, làm các mô hình trình diễn nuôi cá rô phi đơn tính và từ đó ông trở thành địa chỉ cung cấp giống cá rô phi đơn tỉnh cho Hải Dương và các tỉnh miền Bắc. Thậm chí nhiều khách hàng ở miền Trung và miền Nam cũng trở thành khách hàng quen của ông. Đến nay, ông Chí đã có hơn 50 cơ sở sản xuất giống vệ tinh trên cả nước. Mỗi năm, trang trại của ông cung cấp cho thị trường hơn 10 triệu cá giống rô phi đơn tính và hàng triệu cá giống truyền thống khác.

img

Sản xuất cá giống tại cơ sở của ông Nguyễn Đức Chí.

Ông Chí cho biết: “Cá rô phi là loài cá rất rễ nuôi, phàm ăn, ít bệnh tật, có thể nuôi ở mật độ dày theo quy mô công nghiệp, tận dụng được thức ăn tự nhiên và cả cám công nghiệp... đặc biệt là thời gian được thu hoạch cũng nhanh, nếu có con giống tốt chỉ cần 6 tháng là được thu. Mức tăng trưởng trung bình của cá rô phi đơn tính đạt 120 – 140g/con/tháng, gấp gần 2 lần so với cá rô phi giống cũ, năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha. Thịt cá rô phi cũng thơm ngon, giá cả phải chăng, được thị trường ưa chuộng, nên hiệu quả hơn rất nhiều so với các loài cá truyền thống.

Tuy nhiên, ngoài những điểm mạnh trên, hiện Việt Nam vẫn chưa tự sản xuất được giống cá rô phi, chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài. “Họ chỉ cung cấp cho mình con giống F1 nên nếu về người dân nuôi cá thịt để sản xuất giống, tuy cá đẻ rất sai nhưng khi nuôi lại bị thoái hoá, cá mới đạt 3-4 lạng là đã có trứng nên rất còi cọc, chậm lớn, năng suất thấp, nuôi không hiệu quả. Trong khi, cá giống của họ nuôi có thể đạt kích cỡ1 -1,2 kg sau 6 tháng, và tối đa còn lên tới 3kg, đặc biệt là tỉ lệ cá đực của họ rất cao”, ông Chí nói.  Hiện các cơ sở sản xuất giống cá rô phi đơn tính trên cả nước mới chỉ dừng lại ở khâu nhập con giống từ 15-21 ngày tuổi về nuôi tới 30-45 ngày tuổi để bán cho người nuôi, tức là chỉ làm ở khâu gia công, nên giá thành cá giống vẫn còn rất đắt.

Ông Chí kể: Một lần được mời tham dự Hội nghị cá giống rô phi của quốc tế, tôi thấy Israel mang tới một con cá bố mẹ nặng tới hơn 3kg. Tôi đã bỏ tiền để sang tận Israel ,nhưng qua đó ký hợp đồng rồi họ vẫn giới thiệu về Đài Loan và phải lấy hàng qua đó như một “đại lý”. “Hiện nay, việc nghiên cứu giống cá rô phi của nước ngoài đã đạt trình độ rất cao, bản quyền cá rô phi bố mẹ là ở Israel nhưng có bỏ thật nhiều tiền họ cũng không bán cho mình mà họ chỉ ghi rõ trong hợp đồng, khi nào cung cấp đủ một lượng lớn ở Việt Nam thì họ sẽ đồng ý chuyển giao công nghệ cho sản xuất giống tại Việt Nam. Hiện tôi cũng đang quyết tâm phấn đấu để đạt được những yêu cầu của phía đối tác để đưa quy trình sản xuất cá giống rô phi đơn tính về Việt Nam, góp phần tự chủ được con giống, giảm chi phí cho người dân ”, ông Chí nói.
Tại trang trại của ông Chí, hiện giá cá giống rô phi cỡ 1.100 con/kg giá là 1.600 đồng/con và ở kích cỡ 450 con/kg thì có giá 2.000 đồng/con. Để thả một ao cá khoảng 2.000 m3,người nuôi phải chi phí khoảng 1,5-2 triệu đồng tiền giống, nên giá thành sản xuất sẽ tăng cao, dẫn tới khó cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.