Oranienburg là ga cuối của line tàu điện ngầm S1, cách ga trung tâm TP.Berlin khoảng 35km.
Ngày đầu hạ, chuyến tàu đưa tôi tới Oranienburg rầm rập người. Từ ga Oranienburg có hàng ngàn người hào hứng đi bộ quanh co gần 3km để tới phố StraBe der Nationen- nơi có Bảo tàng Sachsenhausen. Khách tham quan phần lớn là người trẻ tuổi, lứa tuổi tưởng như không mấy quan tâm tới lịch sử.
Đứng trước cổng bảo tàng, dưới bầu trời xanh thẳm của ngày hè thanh bình nước Đức, tôi không thể tưởng tượng được 70-80 năm trước đây, hàng vạn người tù đã phải chịu đựng nhiều hình thức nhục mạ và tra tấn, bị đánh đập, roi vọt, trói giật tay treo trên xà ngang, rồi bị bắn chết.
Tuy nhiên, ngay trên đường vào trại, hàng trăm tấm ảnh cỡ lớn treo sát phía tường bao quanh trại đã hé mở dần những câu chuyện đau đớn từ thời Đức Quốc xã (năm 1936), dưới thời lãnh đạo của Adolf Hitler. Những thân thể người tù chỉ còn da bọc xương, nằm còng queo dưới trời mưa và tuyết lạnh; những người bị hành quyết bằng khí độc, bị thiêu sống hoặc bị treo cổ.
Qua những bức tường ám ảnh là một khu vườn rộng, cây cối xanh tươi hết sức bình yên, nhưng góc nào cũng có những biểu tượng tưởng niệm với đầy những nét mặt đau đớn.
Khuôn viên trại tập trung này rất rộng, từ khu nhà nọ sang khu nhà kia du khách băng qua những bãi cỏ rộng hàng trăm m2. Mặt trời mùa hạ soi sáng từng căn phòng khiến mùi tử khí của quá vãng xa xôi dường như không còn hiện hữu. Thế nhưng câu chuyện vẫn không thôi day dứt.
Trước mặt tôi là 2 bệ bồn tắm nhỏ, là nơi tắm rửa cho gần 400 tù nhân. Tiếng hướng dẫn viên nói qua loa cho biết, tại nơi này, bất cứ một vi phạm nhỏ nào của tù nhân cũng bị lính gác SS trừng phạt bằng cách dùng chân nhấn chìm đầu tù nhân xuống bồn tắm hoặc toilet đến chết. Sau căn phòng này là các lò thiêu người và được mô tả là “luôn trong tình trạng quá tải”. Và câu chuyện cứ lần lượt như vậy…
Tôi nghỉ chân dưới một tán cây lớn ngay chính giữa trại, hút mắt bao quát toàn bộ khung cảnh trại Sachsenhausen. Cảnh thanh bình và yên ả ở nơi đây thật hiếm có với những bãi cỏ rộng và xanh mướt. Rất nhiều học sinh Đức cũng đứng ngồi rải rác xung quanh với dáng nhàn tản như đi một buổi picnic.
Tuy nhiên, tôi tin rằng bất cứ ai tới đây cũng trở về với bài học đặc biệt về chiến tranh và những tội ác diệt chủng. Có trải qua một quãng đường kinh hoàng mô tả lịch sử mới hiểu nước Đức đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật ra sao khi đưa trại Sachsenhausen trở thành bảo tàng.