Bánh tét, có nơi gọi là bánh đòn, là một loại "bánh thiêng" có trong ẩm thực của người miền Tây, đặc biệt là dùng trong các dịp lễ, tết này. Bánh tét cũng là loại bánh thông dụng của dân quê miệt vườn dùng để lót dạ vào buổi sáng trước khi ra đồng. Nhưng đó là loại bánh được làm bằng nhân chuối hay đậu đen, còn bánh cúng vua Hùng phải được gói kĩ càng với nhân bằng thịt lợn 3 chỉ.
Người phụ nữ miền quê đảm đang, khéo léo và rất xem trọng việc cúng kiến, lễ nghi; vì vậy sắp đến tháng 3 mùng 10 âm lịch là mọi người lại chuẩn bị gói những đòn bánh tét sao cho thật ngon, thật đẹp trước để cúng kiến, sau nữa là để cho mọi người cùng thụ lộc. Bánh được đánh giá là gói khéo khi thân bánh căng tròn đều, buộc chặt, nhân bánh nằm chính giữa, màu sắc tím bắt mắt của lá cẩm quê hương.
Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, người dân quê tôi vẫn giữ nguyên tục lệ gói bánh tét để cúng vua Hùng. Những vị cao niên thường bảo ban con cháu mình cần phải chuẩn bị một nồi bánh thật ngon, thật khéo để làm đẹp lòng vua trong ngày trọng đại này.
Lâu dần cũng thành quen và cho đến hôm nay tục gói bánh của người dân quê đã ăn sâu vào trong tiềm thức như là một nhiệm vụ thiêng liêng để nhớ về tổ tiên, nguồn cội.