Dân Việt

Người bắt đất trũng “nhả vàng”

Thuận Hải 18/05/2015 06:45 GMT+7
Quyết tâm chinh phục vùng đất mới, anh Khoản bắt tay vào tìm hiểu các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao, có thể áp dụng được trên đất đầm lầy, bắt đầu với việc trồng rau và xây chuồng nuôi heo...

Cuối năm 1992, sau khi rời quân ngũ, anh Trần Văn Khoản cùng vợ con khăn gói vào Nam lập nghiệp ở ấp Trảng Lắm (xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi). Nghèo khó chất chồng, thế mà nay, anh Khoản đã xây dựng được cơ ngơi khá vững chắc. Lúc ngồi nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, anh Khoản còn không dám tin vào những đổi thay đã diễn ra trên vùng đất xám này.


img

Từ một đám lau sậy ngập trong bùn lầy, đến nay, anh Trần Văn Khoản đã xây dựng được mô hình vườn ao chuồng cho hiệu quả kinh tế cao.

Anh Khoản kể, lúc mới đặt chân vào Nam, không đủ tiền bám trụ ở nội thành, cả gia đình trôi dạt về vùng đất nghèo khó, đầm lầy còn hoàn toàn hoang sơ ở xã Trung Lập Hạ. Gom góp tiền bạc, anh Khoản mua được một mảnh vườn nhỏ để trồng rau, nuôi vài con heo, đắp đổi qua ngày.

“Cứ đêm đến nghe tiếng ếch nhái kêu, tiếng gió thổi xào xạc là mình lại thấy rờn rợn. Cả vùng lúc đó chắc được vài chục nóc nhà, ruộng thì đầm lầy, trồng lúa năng suất chỉ vài tạ/công, không đủ cả nhà ăn cho đến giáp hạt”, anh Khoản nhớ lại.


Anh Trần Văn Khoản
  Ngày xưa đói kém vì còn loay hoay với đất lầy, đất trũng chứ giờ hết sợ rồi. Đất kiểu gì cũng làm kinh tế được. Đất trũng ở đây càng dễ cho phát triển vườn - ao - chuồng khép kín. 
Quyết tâm chinh phục vùng đất mới, anh Khoản bắt tay vào tìm hiểu các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao, có thể áp dụng được trên đất đầm lầy, bắt đầu với việc trồng rau và xây chuồng nuôi heo.

Cùng với đó, anh Khoản đầu tư đào 4 ao nuôi cá với diện tích mặt nước trên 7.000m2. Để tận dụng các tầng nước và sử dụng thức ăn cho cá hiệu quả, anh thả nuôi cá tra, cá trê, cá chép, rô phi, rô đồng… Đồng thời, thực hiện đánh tỉa thả bù để tăng năng suất. Nhờ đó, từ 4 ao cá này, mỗi năm anh Khoản thu hoạch hơn 20 tấn cá, doanh thu hơn 400 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, phần nuôi cá mang lại cho gia đình anh khoản lời hơn 230 triệu đồng mỗi năm.

img
Anh Khoản tại cơ sở sản xuất nấm của mình.


Ngoài ra, anh Khoản còn tận dụng rìa đất quanh ao cá, chuồng heo để trồng gần 200 gốc dừa dứa và hơn 4.000 cây măng tây. Những năm 2010 – 2012, cùng với cá, heo và măng tây, mô hình vườn ao chuồng của anh Khoản mang lại doanh thu khoảng 1,4 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ các chi phí đầu tư, anh Khoản lãi ròng hơn 400 triệu đồng.

“Mấy năm nay vườn dừa phát triển, đâm rễ ra xung quanh nên không trồng măng tây được nữa, mình chuyển sang trồng 220.000 bịch nấm bào ngư xám, mỗi ngày thu cũng hơn 2 tạ nấm thành phẩm, tiền lời cũng chừng 2 triệu đồng. Xưa mới vào Nam còn loay hoay với đất lầy, đất trũng chứ giờ mình hết sợ rồi. Đất kiểu gì cũng làm kinh tế được”, anh Khoản hào hứng.