Dân Việt

"Hai Lúa" bỏ hàng chục tỷ mua núi làm du lịch

TRỌNG BÌNH 06/05/2015 06:15 GMT+7
Nặng lòng với nét đẹp nguyên sơ của núi Két - 1 trong 7 ngọn núi của vùng Thất Sơn, An Giang, anh nông dân Sơn Đào đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để “mua núi” làm du lịch. 

30 năm lập nghiệp trên núi

Ngồi bên cửa hang Hàm Ếch lồng lộng gió trời, Sơn Đào kể về biệt danh của mình: Ông tên thật là Nguyễn Văn Sơn, quê ở Đồng Tháp, thời thanh niên mưu sinh rày đây mai đó, rồi cám cảnh vùng Thất Sơn nên dừng bước và định cư lập nghiệp tại núi Két. Thuở cơ hàn mới về, thời cây đào (điều) thịnh vượng, núi Két bao phủ toàn là đào, ông chuyên nghề hái và gánh đào thuê (nên gọi Sơn Đào).

img
Nặng nợ với núi non, Sơn Đào quyết mua núi làm du lịch.  Ảnh: Trọng Bình
Dành dụm được mớ vốn, Sơn Đào mua xe tải… từ đó anh nông dân Sơn Đào kiêm luôn ông chủ đoàn xe tải hùng hậu vùng Bảy Núi. “Dư được bao nhiêu tôi dành dụm mua đất núi hết bấy nhiêu. Từ vài công, rồi vài chục công... hơn 30 năm, tôi đã mua hơn phân nửa diện tích núi Két” – ông Sơn nhớ lại.

Điều quan trọng hơn là sau khi có chủ quyền sử dụng phần diện tích đất núi, ông Sơn đã tiếp tục dành dụm tiền đầu từ xây dựng những hạng mục, công trình trên núi để thu hút du khách.

Chia sẻ về nguyên nhân dành hết vốn liếng đầu tư vào núi, ông Sơn tâm sự: “Núi non giá trị nhất của nó là vẻ nguyên sơ, thuần khiết mà thiên nhiên ban tặng. Tôi quyết định đầu tư mua núi là để được quyền gìn giữ những giá trị đó. Giữ gìn không thôi chưa đủ mà còn phải phát huy giá trị của nó bằng cách làm cho nhiều người biết, đó là làm du lịch”.

Nặng lòng với núi non

Cư dân trong vùng Bảy Núi gọi Sơn Đào là “ông chủ núi Két”. Người biết chuyện hơn thì cho rằng Sơn Đào nặng lòng với núi non. Như để minh chứng về tình yêu thiên nhiên của mình, ông Sơn đưa chúng tôi đi qua những hang đá mát lạnh, gắn với những điển tích lịch sử của vùng Thất Sơn mầu nhiệm, nào là: Sân Tiên, Giếng Tiên, hang Hàm Ếch… “Ai không yêu mến và không gắn bó sâu nặng với vùng đất núi này chắc sẽ không dám bỏ vốn đầu tư” – ông Sơn khẳng định.

Ở đây trong điều kiện đá núi cheo leo, việc xây dựng là vô cùng vất vả, kinh phí đắt gấp 30 – 40 lần. Sự đầu tư đúng mực tạo cho núi Két một không khí gần gũi với thiên nhiên, gần gũi với lịch sử cùng với những điển tích, truyền thuyết về chính ngọn núi. Nó có một sức quyến rũ đặc biệt đối với những người du lịch để tìm hiểu văn hóa lịch sử, du lịch tín ngưỡng, tâm linh...

“Năm 2000 tôi vay Ngân hàng NNPTNT 2,5 tỷ đồng, lãi suất 1,5%/tháng, đến nay đã qua 3 lần đáo hạn nhưng vẫn chưa hoàn vốn. Rất mong nhà nước quan tâm hỗ trợ tôi được vay vốn ưu đãi để phát triển loại hình du lịch đặc thù của vùng Thất Sơn” – ông Sơn trải lòng.

Ông Huỳnh Thanh Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên cho biết: “Hiện ông Sơn là người tiên phong trong lĩnh vực nông dân kết hợp làm du lịch. Chúng tôi rất trân trọng vì những người như ông sẽ góp phần khơi dậy và phát triển tiềm năng du lịch địa phương. Chúng tôi sẽ xúc tiến một số thủ tục để ông Sơn được vay vốn ưu đãi, hỗ trợ cho ông tiếp tục phát triển Khu du lịch núi Két”.

 Núi Két là 1 trong 7 ngọn núi nổi danh của vùng Thất Sơn (An Giang), có độ cao hơn 225m (so với mặt nước biển). Trên Núi Két có nhiều điểm tham quan gắn với các truyền thuyết, lịch sử tôn giáo của vùng Thất Sơn, tiêu biểu như: Mỏ Ông Két, Điện chư vị 5 non 7 núi, Điện Trúc Lâm, Giếng Tiên, Sân Tiên, Điện Phật Thầy, Phật Mẫu, Ngọc Hoàng, hang Hàm Ếch…