Những năm tháng tuổi thơ ở quê, tôi nhớ nhất là những phép màu của ông bà nội đã giúp tôi vượt qua hậu hoạ của bao trò nghịch ngợm. Bị đám ong trong khóm hoa đồng đội đốt, tôi chạy về với cái trán sưng húp thì đã thấy bà hái măng, hái ớt xát cho đỡ sưng. Theo chúng bạn trèo cây bị ngã sái chân, bà vừa dăn dạy vừa lấy lá cây láng, cây bưởi hơ lửa mà bóp vào chỗ sưng, sáng hôm sau lại tung tăng theo chúng bạn ra đồng bắt cua, bắt cá. Nhưng ấn tượng lưu lại sâu sắc nhất trong tâm trí phải là cây sung mật mà ông, bà tôi đã trồng nơi bờ ao nhà.
Cũng như bao cây khác, cây sung không cao lớn xòa bóng mát rộng, cũng không gai góc mà khiêm nhường nằm một góc bờ ao, nơi có những đàn cá diếc, cá rô đồng tung tăng lượn lờ kiếm mồi ngay dưới bóng mát của cây. Ở nơi bóng cây, còn có những tiếng chim khuyên líu ríu, gợi cảm giác yên bình giữa trưa hè.
Nghe bà tôi bảo trồng cây sung để có thêm sự sung túc (cây lộc), chúng tôi cũng chẳng hay nhưng chỉ biết từ khi những trái sung còn bé xíu, lúc lỉu trên thân cây già nua đã thấy bướm, ong bay về rộn rã, quây quanh gốc.
Sau này đi xa quê hương, chúng tôi quen dần với đời sống tiện nghi, hễ cứ đói bụng là có các món ăn nhanh, khi khát đã có các loại nước giải khát lạnh. Cũng vì thế mà chẳng mấy khi tìm lại được vị ngọt ngào, thơm thảo của những loại hoa trái vườn quê như trái ổi, trái sung vườn nhà.
Vừa rồi trở về thăm quê trong đợt nghỉ lễ, sau khi ra giếng múc nước ấp lên măt, những giọt nước giếng quê trong mát, tôi lại nghe bà bảo cây sung mật góc ao nhà năm nay vẫn còn sai quả lắm. Sực nhớ ra điều thú vị đã lãng quên bao ngày, con đường mòn bờ ao, lối cỏ xanh năm xưa như dẫn tôi về miền cổ tích, trở lại tuổi thơ.